Giám đốc Công ty Phước Thành-Bảy Mập, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết gần đây công ty thường xuất khẩu gạo đi thị trường Mỹ nhưng không biết chất nào bị cấm tại thị trường này. Khi hàng đến nơi thì được yêu cầu phải gửi kho, niêm phong chờ kiểm định. Nếu đạt tiêu chuẩn mới được giao cho khách hàng. Ngược lại, chủ hàng phải chở ngược về. Trong khi đó, những kết quả kiểm định tại Việt Nam thì Mỹ không cần xem đến, nhưng DN vẫn phải kiểm dịch thực vật trước khi xuất rất mất công, mất tiền...
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Long Biên cũng than phiền vì tình trạng thiếu thông tin thị trường xuất khẩu. Ông chia sẻ, công ty ông muốn đưa các mặt hàng nước mắm sang một số thị trường như Mỹ, châu Phi và một số nước châu Á khác nhưng không biết thông tin về các thị trường này, tìm thì không biết tìm ở đâu. Ngay cả khi tra cứu thông tin các trang web của Bộ Công Thương cũng chỉ thấy những thông tin hết sức sơ sài, chung chung, không đáp ứng được mong muốn.
Bà Tô Tuệ Lan - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận, đồng thời là Giám đốc Công ty XNK Bình Thuận cũng cho rằng DN xuất khẩu đang gặp rất nhiều rủi ro và rủi ro lớn nhất vẫn là khâu thanh toán.
Bà Lan kiến nghị rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuất xứ (C/O). Bà cho biết để xin C/O thường mất 3 ngày. Thêm 5 ngày chuyển phát nhanh nữa thì tổng cộng mất 8 ngày mới đến tay khách hàng. Với những thị trường xa như châu Âu, Mỹ, tàu đi 20 ngày thì không thành vấn đề vì C/O đến trước. Nhưng với thị trường Nhật, Hong Kong thì hàng đi chỉ mất 5-7 ngày chạy tàu mà 8 ngày mới gửi được C/O đến khách hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thừa nhận hầu hết các tham tán chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho DN. Theo ông, cái khó và cũng là lý do dẫn đến tình trạng trên là thiếu nhân lực cũng như tài chính để thực hiện, trong khi nhu cầu của DN thì hết sức đa dạng và phức tạp.