Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024

Điều gì tạo cơ hội cho bà Harris và ông Trump trong giai đoạn cuối quyết định?

Hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump phải đối diện với một câu hỏi mang tính quyết định: Cử tri sẽ lựa chọn sự gia tăng hơn 16 triệu việc làm dưới thời chính quyền Biden-Harris, hay lo lắng về giá cả tăng gần 20% là điều quan trọng hơn? 

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn quyết định, với sự cạnh tranh căng thẳng giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Trong những ngày cuối của chiến dịch, hai ứng viên đều tập trung vào các luận điểm kinh tế mạnh mẽ, khi cử tri đối diện với một câu hỏi cốt lõi: Liệu họ nên quan tâm đến việc nền kinh tế đã tạo ra hơn 16 triệu việc làm dưới thời chính quyền Biden-Harris, hay thực tế giá cả đã tăng gần 20% trong cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại hơn?

Điều gì tạo cơ hội cho bà Harris và ông Trump trong giai đoạn cuối quyết định? ảnh 1

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp ở Philadelphia, Mỹ, ngày 10/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là những điểm mấu chốt sẽ định hình cuộc đua, và bên nào kiểm soát được cuộc tranh luận này có thể chiếm ưu thế khi ngày bầu cử đến gần.

Báo cáo việc làm tháng 9 do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố vào ngày 4/10 đã vượt qua kỳ vọng, tạo thêm 254.000 việc làm so với con số dự báo chỉ khoảng 150.000. Đây là tin tức tốt đối với chính quyền Biden-Harris và giúp củng cố lập luận của đảng Dân chủ rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tính từ thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 16 triệu việc làm, đánh dấu một cột mốc quan trọng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cử tri đều nhìn nhận tình hình theo hướng lạc quan này. Sự gia tăng của lạm phát, với mức giá cả leo thang gần 20% dưới thời chính quyền hiện tại, đã khiến nhiều người Mỹ cảm thấy khó khăn hơn trong cuộc sống hàng ngày. Đối với đảng Cộng hòa, vấn đề lạm phát vẫn là trọng tâm chỉ trích chính đối với bà Harris và chính quyền Biden.

Lập luận kinh tế của đảng Dân chủ

Đối với đảng Dân chủ, báo cáo việc làm tích cực mang lại niềm vui thận trọng. Tổng thống Biden đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi số liệu này, nhưng cũng thừa nhận "nỗi đau" mà lạm phát gây ra cho các gia đình Mỹ. Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nhấn mạnh rằng mặc dù có tiến bộ trong việc tạo việc làm, chính phủ Mỹ vẫn cần làm nhiều hơn nữa để giảm chi phí sinh hoạt và mở rộng cơ hội cho người dân.

Phó Tổng thống Kamala Harris và các đồng nghiệp trong đảng Dân chủ cũng theo đuổi thông điệp tương tự, đề cao thành tích về việc làm trong khi thừa nhận những khó khăn do lạm phát gây ra. Quyền Bộ trưởng Lao động Julie Su đã mô tả số liệu này là "mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, ổn định và vững chắc", nhưng cũng nhấn mạnh cần phải tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng mọi người đều cảm nhận được những cải thiện về kinh tế.

Tuy nhiên, thách thức lớn đối với bà Harris là làm sao để biến thành công về việc làm thành sức hút với cử tri, khi lạm phát vẫn đang đè nặng lên nhiều người. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nhiều cử tri quan tâm hơn đến vấn đề giá cả hàng hóa hơn là việc làm.

Chiến lược của đảng Cộng hòa: Lạm phát và chỉ trích

Trong khi đảng Dân chủ cố gắng nhấn mạnh thành tựu về việc làm, đảng Cộng hòa tiếp tục tập trung vào vấn đề lạm phát. Một quảng cáo mới từ chiến dịch của Trump vừa được phát hành đã chỉ trích rằng “dưới thời (Phó Tổng thống) Kamala Harris, giá cả đã tăng vọt”, thể hiện rõ ràng rằng lạm phát sẽ là điểm chính yếu trong chiến lược tranh cử của đảng Cộng hòa.

Không chỉ tập trung vào lạm phát, một số đồng minh của ông Trump còn đưa ra những tuyên bố về tính chính xác của các báo cáo việc làm. Một siêu PAC ((Super Political Action Committee- Siêu Ủy ban vận động chính trị) ủng hộ ông Trump đã gọi báo cáo việc làm tháng 9 là "giả mạo", đồng thời cáo buộc rằng người Mỹ không tin vào các số liệu này vì họ cảm nhận rõ nỗi đau của nền kinh tế hàng ngày.

Lập luận trên phản ánh chiến lược của ông Trump trong các cuộc bầu cử trước: Tập trung vào những vấn đề gần gũi với cuộc sống của cử tri và nhấn mạnh cảm giác bất ổn mà nhiều người đang trải qua.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự cạnh tranh giữa hai ứng viên rất sát sao, đặc biệt về vấn đề kinh tế. Trong nhiều cuộc khảo sát, ông Trump thường có lợi thế nhỏ về lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Harris đang dần thu hẹp khoảng cách. Một cuộc thăm dò của Morning Consult thậm chí cho thấy cả hai ứng viên ngang bằng nhau về mức độ tin cậy trong quản lý kinh tế, mỗi người đạt 46% sự ủng hộ.

Dữ liệu này cho thấy cuộc đua vẫn còn rất khó đoán, và kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc cử tri coi trọng vấn đề gì hơn: Thành tựu về việc làm của Harris hay lo ngại về lạm phát dưới thời chính quyền hiện tại?

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.