Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Thừa Thiên - Huế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực được tổ chức tại khu vực cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), với sự tham gia của hơn 1.000 người cùng hàng chục phương tiện, tàu thuyền của nhiều đơn vị, lực lượng.

Ngày 12/6, tại cảng Chân Mây, tỉnh TT-Huế tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực năm 2024.

Dự và chỉ đạo diễn tập có Trung tướng Thái Doãn Đức - Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng), Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Thiếu tướng Trần Trung Thiết - Phó Cục trưởng Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng); Thiếu tướng Lê Hồng Nhân - Phó Tư lệnh Quân khu 4; đại diện lãnh đạo tỉnh TT-Huế và đoàn đại biểu của Vệ binh Quốc gia bang Oregon (Hoa Kỳ) do bà Chuẩn tướng Jenifer E Pardy - Giám đốc, Tham mưu liên quân - làm đại diện.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Thừa Thiên - Huế ảnh 1

Huy động lực lượng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu.

Theo kịch bản, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực năm 2024 kéo dài 90 phút, với tình huống giả định vào lúc 5h10 sáng 12/6, tàu dầu Trường Sa 01 (quốc tịch Việt Nam), trọng tải 6.000 tấn, trên tàu có 12 thuyền viên, chở 1.200 m3 dầu DO hành trình từ Hải Phòng đi Quảng Ngãi.

Khi đến vị trí cách bờ biển Bình An, vịnh Chân Mây, về phía Bắc khoảng 1 hải lý, cách cảng Hào Hưng - Chân Mây về phía Đông Nam khoảng 0,8 hải lý, đã xảy ra va chạm với tàu chở hàng Chân Mây 24.

Hậu quả, tàu dầu Trường Sa 01 bị thủng khoang két số 3, lượng dầu tràn ra ngoài ban đầu khoảng 50m3 dầu DO. Sự cố đâm va đã làm 5 thuyền viên trên tàu bị rơi xuống nước, khoang máy bị chập điện và có nguy cơ gây cháy nổ nếu không tiến hành ứng phó kịp thời.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Thừa Thiên - Huế ảnh 2

Khu vực diễn tập thuộc vịnh Chân Mây, huyện Phú Lộc, TT-Huế.

Với mức độ nghiêm trọng và phức tạp của sự cố, UBND tỉnh TT-Huế quyết định thành lập sở chỉ huy hiện trường tại cảng Hào Hưng (cụm cảng Chân Mây) để kịp thời chỉ huy thực hiện hiệu quả công tác ứng phó sự cố.

Để triển khai công tác ứng phó ban đầu với sự cố ở cấp cơ sở, Ban chỉ huy Ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD) cụm cảng Chân Mây triển khai công tác ứng phó khẩn cấp theo kế hoạch; điều động các đội ứng phó nhanh chóng triển khai, thông báo cho các đơn vị hiệp đồng và Trung tâm ƯPCSTD khu vực miền Trung; đồng thời báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảng vụ Hàng hải TT-Huế và Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Thừa Thiên - Huế ảnh 3

Các phương tiện được huy động tham gia ứng cứu.

Sau khi nhận báo cáo nhanh từ Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế đã báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xin ý kiến về điều động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Thừa Thiên - Huế ảnh 4

Tìm vớt, cứu hộ thuyền viên gặp nạn.

Với các phương án xử lý linh hoạt, các lực lượng thực binh trên biển và trên bộ của các đơn vị đã chủ động trao đổi thông tin, điều hành phương tiện cứu người, chữa cháy và sử dụng các phương tiện chuyên dụng để bơm, hút dầu loang, dùng các tấm hút dầu để ngăn chặn tối đa dầu loang ra diện rộng; tiến hành xử lý và tiêu tẩy lượng hóa chất gần bờ; đồng thời cảnh báo các tàu thuyền trong khu vực và sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Thừa Thiên - Huế ảnh 5

Thực hiện biện pháp chữa cháy, ứng cứu.

Sau thời gian triển khai ứng phó, toàn bộ thuyền viên của tàu Trường Sa 01 đã được cứu vớt đưa vào bờ an toàn; dầu tràn trên biển đã được thu gom và xử lý đúng quy định.

Kết thúc diễn tập, UBND tỉnh TT-Huế đã tặng bằng khen cho 12 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia diễn tập ƯPSCTD cấp khu vực năm 2024.

MỚI - NÓNG
Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho DN. Ảnh minh họa: Như Ý
Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng
TP - Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này. Tuy vậy, Việt Nam được khuyến nghị còn nhiều yếu tố cần cải thiện như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dồn lực cho đầu tư công, xuất khẩu.