Diễn tập ứng phó sự cố tàu Cát Linh - Hà Đông phải được báo trước để hành khách được biết |
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT khẳng định, tàu đã có khách thì không nên diễn tập; đã diễn tập phải báo trước. “Hành khách đã mua vé lên tàu là đã dùng dịch vụ công cộng, theo quy định cơ quan quản lý phải cung cấp một dịch vụ đảm bảo, an toàn, thậm chí được bảo hiểm cho cả chuyến đi. Với tàu Cát Linh - Hà Đông hành khách đã bỏ tiền mua vé để di chuyển nhưng lại bị thí điểm dịch vụ là không được. Đó là thiếu tôn trọng hành khách”, GS.TS Từ Sỹ Sùa đánh giá.
GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, trong quá trình vận hành tàu đô thị không tránh được sự cố, song sự cố không phải xảy ra thường xuyên, chu kỳ lập lại 1 lỗi thường có chu kỳ 10 năm. “Theo tôi, các khuyến cáo của Tư vấn pháp đưa ra 16 lỗi tàu Cát Linh - Hà Đông có thể gặp trong quá trình vận hành. Đây chỉ là cảnh báo, còn thực tế sau hơn 40 ngày vận hành các lỗi trên chưa xuất hiện, cần phải để lỗi xảy ra ngẫu nhiên, sau đó đơn vị vận hành dựa vào kịch bản đã được đưa ra để xử lý”, ông Sùa nói.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, tàu đô thị là loại hình mới, do vậy để hoàn chỉnh công tác vận hành, quản lý cần có thời gian vừa khai thác vừa hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, việc diễn tập ứng phó sự cố tàu là điều cần được chia sẻ, thông cảm. Tuy nhiên, ông Quyền lưu ý, đã là diễn tập thì theo quy định phải được lên kịch bản, thông báo công khai để người dân được biết.
Giải pháp nào?
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty Hanoi Metro (vận hành đường sắt Cát Linh- Hà Đông) cho biết, quy trình vận hành tàu điện có 63 tình huống - quy trình ứng cứu khẩn nguy từ cấp độ thấp đến cao. “Đối với cấp độ cao sẽ có kế hoạch cụ thể để phối hợp liên ngành, với cấp độ thấp thuộc phạm vi xử lý của Hanoi Metro thì có thể chủ động xử lý theo các quy trình, kịch bản đã được đề ra”, ông Trường thông tin.
Ông Trường cho biết, mục đích của việc trên, sau mỗi lần diễn tập đều rút kinh nghiệm và cập nhật quy trình để ngày càng hoàn thiện và nâng cao mức độ an toàn chạy tàu.
Ngày 20/12, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, từ nay việc kích hoạt sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp nhất và không làm ảnh hưởng đến sự đi lại của hành khách.
Với phương án và kịch bản chuẩn bị, ông Hải cho biết, mỗi lần “kích hoạt” các đơn vị có liên quan sẽ có kịch bản chi tiết và được các bên liên quan thống nhất, sau đó được công khai minh bạch. “Mục tiêu cao nhất của các lần kích hoạt các tình huống diễn tập là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống đường sắt đô thị, nhằm mang đến sự hài lòng tối đa của hành khách về dịch vụ. Do vậy, các đơn vị có trách nhiệm sẵn sàng lắng nghe đa chiều, trên tinh thần cầu thị tiếp thu và điều chỉnh, khắc phục các vấn đề tồn tại”, ông Hải nói.