Dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, Bình Dương ‘cứu đói’ người lao động bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
Dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, Bình Dương ‘cứu đói’ người lao động bằng cách nào?
TPO - Những ngày qua, Bình Dương liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19 mới chủ yếu là công nhân. Chỉ tính đợt dịch lần thứ 4 này, Bình Dương có 164 ca bệnh khiến nhiều công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị phong tỏa. Hàng nghìn lao động phải đi cách ly hoặc đang ở khu vực bị phong tỏa.

Ngành Y tế Bình Dương nhận định, trong các ổ dịch hiện nay, đáng ngại nhất và có nguy cơ lan rộng là ổ dịch tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên và các công ty trên địa bàn TP Thuận An có tốc độ lây lân rất nhanh. Dịch bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân. Số ca mắc hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang ở cấp độ 4 (từ 101 - 300 ca). Do đó, Bình Dương báo động mức độ cảnh báo dịch lên mức cao nhất.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, đợt bùng phát dịch này, một số nhà máy phát hiện nhiều ca nhiễm liên quan ổ dịch ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, như: Công ty Việt Nam House Wares với 64 ca, chi nhánh xử lý chất thải thuộc Công ty cổ phần nước - môi trường Bình Dương 16 ca, Công ty gốm Hiền Hòa Anh 15 ca. Các công ty này đông công nhân, cư trú nhiều nơi nên dịch đã lan ra các khu nhà trọ.

Dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, Bình Dương ‘cứu đói’ người lao động bằng cách nào? ảnh 1

Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng xe thu gom rác ra vào khu cách ly

Từ các ca bệnh nói trên, cơ quan chức năng ghi nhận thêm một số ca nhiễm tại công ty khác như Vision Vina, gỗ Đức Lợi, KJ Vina. Hiện, nhà máy của Công ty TNHH Dong-A Vina, với 183 công nhân bị phong toả để khoanh vùng, truy vết F1, F2 liên quan ca dương tính tại Xí nghiệp xử lý rác thải Bình Dương. Ngoài những công ty trên bị phong tỏa, một số công ty khác liên quan cũng bị phong tỏa để truy vết gốm: Công ty Đong A VINA; Công ty Vico; Công ty Vison; Công ty Puku…

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có 171 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, số người lao động bị ảnh hưởng là 5.401 (80 F0; 637 F1; 3,247 F2; có khoảng 799 F2 phải cách ly tập trung; nằm trong khu phong tỏa 1,437 công nhân).

Trước mắt, công đoàn đã hỗ trợ công chịu ảnh hưởng với số tiền gần 500 triệu đồng (trong đó, nguồn ngân sách công đoàn 208,100,000 đồng; nguồn xã hội hóa 286,940,000 đồng).

Dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, Bình Dương ‘cứu đói’ người lao động bằng cách nào? ảnh 2

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương động viên công nhân vượt qua khó khăn

Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết thêm đã có công văn trình UBND tỉnh này để đề xuất chính sách hỗ trợ các đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng, lao động gặp khó khăn do phải chịu cách ly y tế để phòng, chống COVID-19.

Theo văn bản, Sở LĐTB&XH Bình Dương trình phương án hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, đơn vị đang điều trị COVID-19 hoặc đang thực hiện quyết định cách ly y tế tập trung, giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đối với nhóm 1: Người lao động đang điều trị COVID-19 với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Nhóm 2: Người lao động là F1 phải cách ly y tế hỗ trợ 1 lần với mức 1,5 triệu đồng/người. Còn với nhóm 3: Người lao động có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà; có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong khu vực bị phong tỏa với mức hỗ trợ 1 lần là 500.000 đồng/người.

Trường hợp đã hưởng ở mức thấp nhất, sau đó được chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao thì chỉ được hưởng thêm khoản chênh lệnh giữa 2 mức. Đồng thời, Sở LĐTB&XH đề xuất với Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương xem xét hỗ trợ các đối tượng từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương. Dự kiến tổng mức kinh phí hỗ trợ khoảng 12 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG