Dịch bệnh tấn công từng ngày

Dịch bệnh tấn công từng ngày
TP - Dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết đang gia tăng và tấn công cả trung tâm TPHCM, trong khi các bệnh viện quá tải trầm trọng.

>Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng
>Dịch tay chân miệng phát triển bất thường

Khi đoàn công tác của Bộ Y tế khảo sát công tác phòng chống dịch bệnh tại quận 1 ngày 16-3, bác sĩ Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 1, cho biết, từ đầu năm đến nay quận có 66 ca sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện. Trong khi đó, có 38 ca bệnh tay chân miệng (TCM). Dịch TCM xuất hiện ở 4 trường mầm non, trong đó có 1 trường để dịch bùng phát với 9 ca. Dịch bệnh đã tấn công trung tâm thành phố, tuy nhiên, theo khảo sát các hộ dân có ca bệnh về TCM và SXH, hầu hết người dân đều lơ mơ về cách phòng chống, trong khi tuyên truyền từ cán bộ y tế chưa được sâu rộng.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, nói rằng, từ đầu năm, nơi đây tiếp nhận điều trị 600 bệnh nhân SXH, trong đó có 2 ca tử vong. Khoảng 50% ca mắc từ các tỉnh chuyển đến. Dịch TCM mới vào mùa, nhưng nơi đây đã tiếp nhận hơn 1.300 trẻ điều trị, 2 trẻ đã tử vong. Tại BV Nhi đồng 1 hôm qua, có 60 trẻ mắc TCM, trong đó có 6 trường hợp nặng phải thở máy. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết, trung bình mỗi ngày nơi đây điều trị 70-80 người mắc TCM, 70% ca mắc cư ngụ tại TPHCM và hầu hết nhập viện muộn khi ở cấp độ nặng. Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm có 1.351 ca mắc TCM, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Hiện mỗi tuần có 200 ca mắc mới, còn SXH mặc dù có giảm so với cùng kỳ, nhưng mỗi tuần cũng có 120 ca mắc mới.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, các bệnh viện tỉnh không có trang thiết bị nên nhát tay điều trị. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh là đẩy bệnh nhân lên thành phố khiến nhiều bệnh viện quá tải thêm. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Cục phó Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, trong đợt khảo sát điều trị TCM ở các tỉnh, một số bệnh viện không biết sử dụng máy lọc máu nên bỏ qua cơ hội cứu sống cho trẻ mắc TCM. “Khả năng chẩn đoán bệnh TCM của các bệnh viện tỉnh còn hạn chế, nhất là tuyến huyện điều trị TCM chưa tốt nên cứ đưa bệnh nhân về thành phố”, bác sĩ Châu nói.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, Bộ Y tế nên có chỉ đạo để TPHCM có thể đưa người và trang thiết bị xuống các tỉnh, nơi có dịch TCM cao nhằm điều trị tại chỗ thay vì phải chuyển lên TPHCM vốn đã quá tải trầm trọng. Ghi nhận đề xuất từ TPHCM, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Mục tiêu quyết liệt của Bộ Y tế trong đối phó dịch bệnh năm nay là hạn chế tối đa ca tử vong, do đó phải chú trọng điều trị. Nhưng điều trị chưa tốt thì rất đáng lo”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG