Vườn Bùi chốn cũ
Vườn Bùi nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục, xưa là làng Và, xã Yên Đổ. Địa danh này gắn liền với tên tuổi nhà thơ Nguyễn Khuyến. Năm 1864, ông đỗ đầu khoa thi Hương, đến năm 1871 lại liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình, từ đó người ta gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ (tức người đỗ đầu ba kỳ thi làng Yên Đổ). Về thành tích này, nhà thơ Dương Khuê (nhân vật trong “Khóc Dương Khuê”) đã từng viết tặng Nguyễn Khuyến: “Khua trống ba hồi nhất cả ba/ Thép văn phiêu bạt khiếp người ta/ Vị Xuyên khoá trước chưa ai kịp/ Giáp Tý năm nay có bác mà”.
Làm quan hơn 10 năm, bất lực trước cảnh nước mất nhà tan, không thể làm được gì để thay đổi thời cuộc, Nguyễn Khuyến xin cáo quan về ở ẩn. Năm 1884, ông viết: “Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”.
Vườn Bùi và ngôi nhà Nguyễn Khuyến ở cho đến lúc mất nằm sâu trong những “ngõ trúc quanh co” của làng Vị Hạ. Cổng vào khá hẹp, phía bên trên có ba chữ Nho “Môn Tử Môn” nghĩa là cửa ra vào của học trò. Mấy năm nay cái cổng được tu sửa lại, màu thời gian bị phủ một lớp sơn mới có vẻ hơi bị bảnh so với khung cảnh xung quanh. Thâm tâm, tôi vẫn nhớ và thích cái cổng cũ bám đầy rêu hơn. Thời còn học phổ thông, tôi đã đến đây nhiều lần, lần nào cũng phải đứng chụp ảnh cạnh cái cổng thấp đến nỗi một người cao 1m8 đi vào thì phải cúi lom khom.
|
Trông coi nơi này là hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ Nguyễn Khuyến - ông Nguyễn Thanh Tùng. Ông Tùng giải thích: sở dĩ cái cổng nhỏ vậy là có ý cả: nó là một lời răn về đạo làm trò: trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân thì đều phải xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào.
Nơi ở của tác giả ba bài thơ Thu nổi tiếng “Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh” là một ngôi nhà gỗ 7 gian đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991. Trong nhà vẫn còn lưu giữ được những trước tác của Nguyễn Khuyến, một số bút tích của Dương Khuê, ống quyển, tráp gỗ đựng sách, tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ” do Vua Tự Đức ban, thậm chí cả bộ triều phục của Nguyễn Khuyến...
May mắn là qua những tao loạn của chiến tranh, vườn Bùi không bị phá hủy, kể từ cái “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” (dù diện tích đã bị thu hẹp), cho đến ba cây nhãn “có lai lịch” trước cửa nhà. Ông Tùng cho biết: các cụ xưa kể lại, trong một lần Nguyễn Khuyến cùng con trai vào kinh mừng thọ Vua Tự Đức, được nhà vua ban cho chùm nhãn, ba cây nhãn được ươm từ hạt của chùm nhãn ngự ban ấy ngụ ý muốn con cháu noi theo và tiếp bước truyền thống của dòng họ vì trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, danh hiệu học vị tiến sĩ được gọi là bảng nhãn.
Văn hay chữ tốt, lại đỗ đạt cao nên nhà của cụ Tam Nguyên Yên Đổ trở thành một “Văn Miếu Quốc Tử Giám” của học sinh Hà Nam. Hàng năm, cứ vào cữ trước thi cử, học trò lại nườm nượp đến đây thăm viếng, mong dính được chút “sái chữ” của cụ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng hướng dẫn học sinh tham quan khu di tích Vườn Bùi |
Người bạn đi cùng tôi hôm ấy tiếc rẻ: với tầm vóc của Nguyễn Khuyến, thật có thể biến cả quần thể xung quanh vườn Bùi thành địa điểm du lịch. Tôi đồng ý với anh, vì từng đến tham quan nơi ở của Đỗ Phủ ở Thành Đô, Trung Quốc, chứng kiến người ta biến nó thành một điểm tham quan rộng vài héc ta lúc nào cũng ngựa xe như nước trong khi lõi của di tích chỉ là một túp lều lợp cỏ.
“Hoặc chí ít chưa mở rộng được thì cũng nên có một quầy sách, bán những tác phẩm, giai thoại của Nguyễn Khuyến, in nhiều khổ, nhiều chất liệu. Hơn 800 tác phẩm viết bằng chữ Nôm, chữ Hán ở nhiều thể loại, như: thơ, văn, câu đối... của ông chính là giá trị để lại mà những thế hệ sau nên biết, cần biết”, bạn nói thêm.
Quê của Chí Phèo, Thị Nở
Rời Bình Lục, chúng tôi rẽ vào thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, quê của nhà văn Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Tri), cũng là cái nôi sinh ra Chí Phèo, Thị Nở.
Không may mắn như ở di tích Vườn Bùi, nhà cũ của Nam Cao không còn gì, hiện ở đây chỉ có một khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao có tổng diện tích hơn 5.000m2 bao gồm: mộ nhà văn (đặt ngay phía bên trái nhà tưởng niệm, cạnh lối vào), nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước... được xây dựng từ năm 2001. Cũng giống cách vận hành của Vườn Bùi, hậu duệ của nhà văn Nam Cao là ông Trần Hữu Vịnh được giao trông coi khu này.
Ông Vịnh cho biết, khu tưởng niệm hiện tại được xây dựng trên phần đất của ông Trùm Ruyện - nguyên mẫu của nhân vật Lão Hạc. Những dấu tích trong truyện ngắn Nam Cao hiện còn lại có lẽ chỉ là ngôi nhà gỗ lim của Bá Kiến (nguyên mẫu có thật tên là Bá Bính) nằm cách khu tưởng niệm chừng một cây số.
Ngôi nhà cổ hơn trăm tuổi của gia đình Bá Bính |
Khu nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao |
Không giống hình dung của nhiều người về “nhà địa chủ”, thậm chí so với các mô hình nhà cổ mà chúng tôi từng gặp ở các bảo tàng tư nhân khắp từ Bắc vào Nam, dinh cơ của Bá Kiến khá khiêm tốn. Ngôi nhà ba gian lọt thỏm trên khu đất rộng chừng 900m2. Được khẳng định là có tuổi đời trăm năm, ngôi nhà đã qua 7 đời chủ, những tấm bình phong trước cửa đã bạc màu nhưng phía bên trong, 16 cột gỗ lim kê đá tảng đẽo gọt công phu vẫn rất vững vàng. Qua mấy lần suýt bị phá, năm 2007, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hà Nam đã quyết định mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng để lưu giữ như một di tích.
Như để bù khuyết những mong chờ về mặt văn hóa vì những dấu cũ tích xưa còn lại rất ít, làng Vũ Đại của Nam Cao lại khá giàu có về mặt ẩm thực. Ngoài chuối ngự Đại Hoàng (xưa chỉ dùng để tiến vua) còn có cá kho làng Vũ Đại đựng trong niêu đất nổi tiếng gần xa, vào mùa thu còn có hồng không hạt...
Ông Trần Luận (là em họ ba đời với nhà văn Nam Cao) hiện là chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất cá kho cho hay: “Đây là vùng đất chiêm trũng, xưa kia hộ gia đình nào cũng có ao cá, vừa để trữ nước, vừa để cải thiện bữa ăn. Cá là món ăn chủ yếu của người dân, thậm chí còn ăn cá thay cơm. Trong những ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của các gia đình bao giờ cũng có món cá kho ngon nhất để thờ cúng, như một cách tạ ơn thần linh đã ban phước lộc cho người dân. Qua thời gian, khi nhiều người phương xa được thưởng thức và biết tới, dần dần cá kho làng Vũ Đại trở thành một món ăn đặc sản, bán đi muôn nơi, thậm chí xuất khẩu sang cả nước ngoài”.
Xung quanh nồi cá kho làng Vũ Đại có câu chuyện “tứ hải giai huynh đệ” khá thú vị. Sở dĩ gọi như thế là bởi một nồi cá phải kết hợp sản phẩm từ 4 tỉnh: niêu đất được mua ở Đô Lương, Nghệ An, vung có xuất xứ từ Thanh Hóa (rất tréo ngoe nhưng lại là sự thật – nồi một tỉnh, vung nồi ở tỉnh khác), rồi đồ đóng hộp lại được mua ở Nam Định và cá thì chế biến ở làng Vũ Đại, Lý Nhân, Hà Nam. Ông Luận bảo, nếu thiếu nguyên liệu của một trong 4 tỉnh này thì niêu cá kho sẽ mất đi vị thơm ngon đặc trưng vốn có của nó.
Xưởng cá kho của ông Luận mỗi ngày đều đỏ lửa có tới hơn 20 lao động. Xưởng này mỗi ngày cao điểm cho ra lò khoảng 1.000 niêu cá, ngày ít cũng khoảng 400 niêu, với giá bán từ 400 ngàn đến 2 triệu đồng 1 niêu, phục vụ nhiều tỉnh trong cả nước, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang....
Thú vị hơn, “ăn theo” khu di tích, ông Luận còn cải tạo ngôi nhà ba tầng của mình như một khách sạn tư nhân, có phòng nghỉ dành cho khách phương xa. Tiếc là mong muốn thưởng thức “cháo hành Thị Nở” ở ngay quê của thị của bạn tôi chưa được thực hiện. Những lò gạch cũ bỏ hoang nay chỉ còn trong lời kể của người làng. Duy chỉ có vườn chuối với những tàu lá được Nam Cao tả “nằm ngửa ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước” thì xum xuê chỗ nào cũng có. Dân ở đây vẫn có thu nhập thêm từ giống cây trồng đặc biệt này.
Ông Trần Hữu Vịnh cho biết: Chuối ngự Đại Hoàng có ba loại là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít, trong đó chuối ngự mít quý nhất – quả chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, khi chín vỏ mỏng dính có màu vàng đậm, thịt quả vàng hơi hồng, hương thơm ngát, người lớn có thể một lèo ăn hết cả nải.
Hành trang về Hà Nội của chúng tôi hôm ấy, có cá kho và chuối ngự.