Đi cùng tàu VIP hải quân

Đưa đại biểu lên đảo
Đưa đại biểu lên đảo
TP - Tàu HQ960 còn gọi Titan thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân được mệnh danh là tàu khách VIP của Quân chủng Hải quân, mặc dù vốn không phải là tàu chở khách.

Khi xuất xưởng tại Cộng hòa liên bang Đức rồi bàn giao cho Quân chủng Hải quân cuối năm 1992 nó là tàu cứu hộ đại dương.

Sau nhiều năm phục vụ, điều duy nhất không thay đổi là nó luôn có đội ngũ gồm những cán bộ, chiến sĩ thuộc loại giỏi nhất Lữ đoàn. Họ được coi là những “soái biển” - từ lính hải quân chỉ những người dày dạn kinh nghiệm biển cả, chịu đựng sóng gió tốt. Vì Titan chuyên chở các đoàn công tác đặc biệt, quan trọng của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương nên được mệnh danh là tàu VIP.

Những chuyến đi bão táp

Bão táp có thể hiểu theo nghĩa đen, hải trình lênh đênh cùng sóng to, gió lớn, thậm chí giông bão. Đại úy Nguyễn Văn Duy, nhân viên hàng hải số 1, một lái tàu kỳ cựu có thâm niên công tác hàng chục năm trên tàu Titan vẫn nhớ lần chở đoàn công tác của TPHCM do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn vào dịp tháng 4/2011.

Đi được nửa đường ra đảo thì tàu gặp phải cơn giông. Thành viên trong đoàn bị say sóng dữ dội, nhiều người không ngồi dậy ăn được, phải vắt cơm nắm, muối vừng để nằm ăn tại chỗ. Đến đảo thì trời vừa tối. Giông bão, mưa lớn khiến trời đã tối càng tối hơn. Lúc đó không ai dám nghĩ có thể đưa đoàn lên đảo, vì quá nguy hiểm.

Vào ban ngày tàu neo đậu cách bờ khoảng 500m nhưng ban đêm phải đậu xa hơn, khoảng 6 liên (1 liên bằng 185m). Cùng đi trên tàu chuyến đó là Phó đô đốc, Chính ủy quân chủng Hải quân Trần Thanh Huyền hội ý với trưởng đoàn Nguyễn Thị Thu Hà và đi đến thống nhất: Không thể đưa hết mọi người lên đảo, nhưng ít nhất phải đưa trưởng phó đoàn lên đảo động viên bộ đội và nhân dân. Đối với cán bộ, chiến sĩ tàu Titan đó là nhiệm vụ. Anh em phải cử ra những cán bộ, chiến sĩ giỏi nhất. Nội việc hạ xuồng xuống biển trong lúc sóng gió vần vũ, mưa rát mặt đã khó, chưa nói đến việc đưa chèo xuồng qua quãng đường cả cây số trên biển từ tàu vào đất liền. Cuối cùng anh em đưa được bà Nguyễn Thị Thu Hà cặp bờ để thăm hỏi động viên bộ đội và nhân dân trên đảo.

Không phải chuyến đi nào cũng gian nan, vất vả. Không ít chuyến đi đọng lại những dư vị ngọt ngào. Có những chuyến đi anh em học được nhiều điều.

Trung tá Lê Tứ Chung

Chuyến đi khác của TPHCM cũng đầy sóng gió nhưng anh em tàu Titan cũng thực hiện thành công sau rất nhiều nỗ lực và nhận phần thưởng tinh thần xứng đáng. Đó là chuyến đưa đoàn công tác số 2 của TPHCM vào đầu tháng 5/2013 do Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua làm trưởng đoàn. Chuyến đi có nhiều văn nghệ sĩ thành phố nên không khí rất vui, dù hành trình cũng gian nan vì mưa to, gió lớn. Tàu tới đảo Trường Sa lớn vào 20 giờ, đúng lúc trời nổi mưa giông.

Đại úy Võ Minh Thắng, Chính trị viên tàu Titan kể: Mưa giông làm giảm tầm nhìn, phải dùng đèn pha để hướng cho xuồng đi. Anh em phải đưa 2 kíp xuồng, mỗi kíp 1 xuồng, 5 chiến sĩ, mỗi chuyến chỉ dám chở 20 người. Cứ lượt vào, lượt ra quãng đường gần cây số chèo cả chục chuyến mới đưa hết 140 người, quà và nhạc cụ của các ca sĩ, văn công. Bù lại, mọi người được thưởng thức đêm giao lưu, ca nhạc khó quên nhất là với bộ đội và nhân dân trên đảo.

Đi cùng tàu VIP hải quân ảnh 1

Hạ xuồng, đưa đoàn Bộ Tổng tham mưu lên kiểm tra, thăm đảo trong chuyến công tác tháng 4/2013

Không phải chuyến đi nào cũng gian nan, vất vả. Không ít chuyến đi đọng lại những dư vị ngọt ngào. Có những chuyến đi anh em học được nhiều điều. Trung tá Lê Tứ Chung, thuyền trưởng ấn tượng mãi về chuyến tàu tháng 4/2013 phục vụ đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu do Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng làm trưởng đoàn. Đây là chuyến đi thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của Bộ Tổng tham mưu.

Đi với các vị tướng, các sĩ quan cao cấp của quân đội, anh em học được nhiều điều, nhất là tác phong làm việc nề nếp, khẩn trương. Với tướng Khánh, mọi chương trình phải được lên lịch từ trước và thực hiện chính xác, kể cả giờ lên từng điểm đảo, nhà giàn. Trường hợp thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu làm việc lâu hơn dự kiến, thì tàu phải tăng tốc để đến điểm đảo kế tiếp kịp giờ. Không thể để bộ đội chờ đợi, đó là quân lệnh.

Tự tin dịch vụ người lính

Trước mỗi chuyến đi, tùy theo thành phần đoàn, cán bộ chiến sĩ trên tàu phải lên phương án phục vụ phù hợp. Thành phần mặt trận, đoàn thể, địa phương thường đa dạng hơn đoàn bộ, ngành, nên việc phục vụ sẽ phải linh động hơn.

Mỗi chuyến đi, anh em đều nhường phòng, giường cá nhân của mình cho đoàn. Phòng thuyền trưởng, chính trị viên, thuyền phó thường dành cho các trưởng phó đoàn. Số khác dành cho người say sóng. Đối với các thành viên lớn tuổi, đi lại, hoạt động trên tàu khó khăn, anh em phải thường xuyên hỏi thăm, giúp đỡ…

Ngay cả bữa ăn cũng phải chú ý. Đoàn có nhà sư thì phải nấu đồ chay. Chức sắc đạo hồi phải kiêng dầu mỡ, thịt heo…Đồng thời phải thường xuyên đổi món trong suốt 10 ngày lênh đênh trên biển.

Tàu Titan còn là tàu kéo. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu vừa lai dắt thành công giàn khoan nước ngoài khổng lồ, nặng 15.000 tấn từ phao số không vào nhà máy ở Vịnh Dung Quất để sửa chữa. Do không tìm được đơn vị đủ năng lực lai dắt giàn khoan khổng lồ trên nên đối tác nước ngoài đã phải nhờ tới Lữ đoàn 125 Hải quân. Đây cũng là lần đầu tiên đơn vị lai dắt giàn khoan lớn trong điều kiện khu vực biển mới lạ, tàu của đơn vị ít hoạt động, cán bộ chiến sĩ chưa thông thạo luồng lạch.

Sau khi ăn phải phục vụ khách nước uống, trái cây. Khi lên xuống xuồng có người đỡ. Nhiều người say sóng hoặc sóng to quá, anh em phải bế, dìu lên bờ. Đến mỗi điểm đảo có chùa chiền, tượng đài như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn…phải chuẩn bị lễ vật như nhang đèn, hoa quả. Tất tật đều chuẩn bị từ đất liền, chuyên nghiệp không kém công ty tổ chức sự kiện dân sự.

Đi cùng tàu VIP hải quân ảnh 2

Lai kéo giàn khoan 15.000 tấn vào vịnh Dung Quất tháng 6/2013

Trong hàng chục chuyến đi chở khách ra quần đảo Trường Sa có đôi lần tàu Titan gặp những tình huống khó chịu. Đó là việc tàu nước ngoài lẵng nhẵng đeo bám. Có lúc không hiểu vô tình hay hữu ý, chạy sát sạt tàu ta.

Trung tá Lê Tứ Chung cho biết, trong những tình huống như vậy, chúng tôi chỉ đạo cán bộ chiến sĩ thực hiện đúng, nghiêm đối sách trên biển, tránh va chạm. Còn lại, chuyến đi có nhiều niềm vui, nhất là thú vui câu cá. Cách câu của lính hải quân khá lạ, không có cần câu, chỉ cần cuộn dây có lưỡi câu là có thể bắt được cá. Xong nhiệm vụ, thả neo là lúc thủ trưởng với chiến sĩ, quân với dân hòa đồng không còn khoảng cách, cùng nhau thả lưới giăng câu.

Trong một chuyến đi, Phó đô đốc, tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Phạm Ngọc Minh chứng tỏ không chỉ là người mê câu mà còn là tay câu sát cá khi có chiến lợi phẩm nhiều nhất đoàn. Cá câu được nướng vỉ ngay trên boong hoặc giao nhà bếp chế biến rồi tất cả quây quần cùng nhau thưởng thức thành quả.

Thượng úy Trần Văn Hiến, trưởng ngành 5 cơ điện, làm việc ở nơi “trái tim” con tàu, nhưng đó cũng là nơi chật hẹp, nóng nực nhất vì ở mãi sâu dưới đáy con tàu.

Gắn bó với Titan nhiều năm, anh cho biết mới đây có Mạnh Thường Quân gắn cho chiếc máy lạnh, không khí đỡ ngột ngạt hơn nhưng vẫn cực kỳ bức bí. Có một điều động viên tinh thần anh em thợ máy là đoàn nào cũng xuống tận nơi động viên, thăm hỏi và khi không phải kíp trực, kiểu gì anh cũng leo lên boong giao lưu văn nghệ với mọi người tranh thủ buông vài mồi câu.

MỚI - NÓNG
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
TPO - Nam sinh Trường THPT chuyên Lào Cai Đặng Duy Khánh thể hiện phong độ thi đấu xuất sắc, liên tục dẫn đầu trong các phần thi và giành chiến thắng cách biệt so với ba người cùng chơi trong trận tháng đầu tiên quý III Đường lên đỉnh Olympia 24. Cùng với vòng nguyệt quế tháng, Khánh đã ghi tên vào trận thi quý III.