Tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng vừa rồi, ngoài việc thông qua Nghị quyết phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông, một số ý kiến nêu rõ việc phải làm trong thời gian tới là thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt dệt may và thủy sản.
Khi khách hàng cũng yêu cầu
Theo ông Phan Văn Kha – Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, hiện ở Đà Nẵng có 25 doanh nghiệp giao thương với Trung Quốc, trong đó hơn một nửa là doanh nghiệp FDI. Giá trị xuất khẩu là 8%, nhập khẩu 11% trong toàn bộ giá trị xuất nhập khẩu toàn thành phố. Trong đó, dệt may và cao su chiếm lĩnh đa số mặt hàng, còn lại là thủy sản và một số ngành nghề khác.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, đại biểu HĐND thành phố cho rằng, việc tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc các mặt hàng này khỏi Trung Quốc là việc cần làm ngay và phải vạch ra một lộ trình cụ thể.
“Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có những giải pháp cụ thể để dần chuyển đổi, tìm đối tác khác cho ngành dệt may, thủy sản, đặc biệt nguồn hàng trong nước”.
Ông Phan Văn Kha - GĐ Sở Công thương Đà Nẵng
Theo ông Phan Văn Kha, riêng về lĩnh vực dệt may, hiện hai nhà máy lớn là 29/3 và Hòa Thọ cũng đang phải nhập khẩu khá lớn nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu hoàn toàn các nguồn từ Trung Quốc.
“Chúng ta có rất nhiều vùng trồng nguyên liệu, vì sao phải nhập khẩu?”- bà Đào đặt câu hỏi. Ông Huỳnh Văn Chính – Chủ tịch HĐQT Cty Dệt may 29/3, cho hay, đúng là ngành dệt may hiện vẫn phải lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu ở Trung Quốc, đặc biệt là thuốc nhuộm và hóa chất thuốc nhuộm. Đây là nguồn nguyên liệu có thể nói rẻ nhất thế giới.
Hiện Cty 29/3 chỉ xuất khẩu các mặt hàng sang châu Âu và một số thị trường khác. Xu hướng mới là khách hàng, các đối tác đang dần yêu cầu nguồn nguyên liệu không phải từ Trung Quốc và đó là một lợi thế cho nguồn nguyên liệu trong nước. “Tất nhiên, không phải một sớm một chiều”, ông Chính nói
Cạnh tranh sòng phẳng
Tương tự câu chuyện dệt may, cao su và thủy sản - mặt hàng có lượng xuất khẩu lớn hằng năm qua các nước châu Âu, Mỹ… nhưng đồng thời lại mất hàng trăm triệu USD qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Các mặt hàng này một phần được tiêu dùng, số còn lại qua “chế biến”, quay ngược trở lại Việt Nam bằng đường chính ngạch, qua đó lần thứ 2 “moi” tiền chính từ túi người Việt.
Theo ông Trần Văn Lĩnh – Tổng GĐ Cty CP thủy sản Thuận Phước, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, riêng thủy sản, chỉ có một cách giảm sự lệ thuộc duy nhất, đó là chơi sòng phẳng với họ, và sòng phẳng với cả chính mình.
Theo ông Lĩnh, việc thả nổi đường xuất khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc khiến mỗi năm nhà nước thất thu nhiều tỷ đồng tiền thuế. “Nếu chúng ta chặt chẽ thì không thương lái nào có thể thao túng được thị trường của chúng ta. Vì sao con cá, con mực hay trái cây vẫn có thể xuất qua Trung Quốc ầm ầm qua tiểu ngạch? Vì chúng ta thả nổi. Và đó cũng là cái cớ họ ép giá thường xuyên.
Như con mực xà ở Hoàng Sa, giá chênh lệch mỗi năm lên tới gần 100 ngàn/kg. Đó là chiêu trò ép giá của thương lái Trung Quốc. Hậu quả là đội tàu câu mực xa bờ của Đà Nẵng hùng mạnh một thời gian tan nát”.
Ông Lĩnh cho rằng, vẫn không nên bỏ qua thị trường hơn tỷ dân như Trung Quốc, cả thế giới cũng vậy. Họ chơi với Trung Quốc một cách sòng phẳng, còn chúng ta, rất nhiều thành phần kinh tế quan hệ với Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên lãnh hậu quả là tất nhiên.