‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tục “bắt chồng” vào lúc nửa đêm của sơn nữ Chu Ru ở Lâm Đồng vừa được các nghệ nhân của buôn làng bên dòng sông Đa Nhim thơ mộng dày công phục dựng lại.
‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 1

Sơn nữ Chu Ru trong điệu múa truyền thống.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với các nghệ nhân của các buôn Bê Can và Diom (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) phục dựng lễ bắt chồng của sơn nữ Chu Ru.

Nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio ở buôn Diom cho biết cưới hỏi là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời mỗi sơn nữ. Người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ nên việc cưới hỏi do nhà gái chủ động.

Khi cô gái gặp được chàng trai mà mình “ưng bụng”, sẽ thưa với cha mẹ để nhờ người mai mối, cùng với cậu của mình đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt.

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 2

Nhà gái chuẩn bị lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt

Đêm không tỏ mặt người, nhà gái kéo sang nhà trai để “bắt chồng”. “Nếu nhà trai từ chối thì nhà gái sẽ ra về, chọn ngày khác quay lại để thuyết phục. Phải đi vào ban đêm vì nếu nhà trai không ưng thuận cũng chẳng ai biết, đỡ mắc cỡ”, già làng buôn Diom cho hay.

Đến khi nhà trai đồng ý cuộc hôn nhân thì việc cưới hỏi do nhà gái đứng ra lo liệu. Sơn nữ cùng cậu, bố mẹ, bà mối, họ hàng mang trầu cau, hạt cườm, thổ cẩm, bầu rượu, nhẫn bạc đến nhà chàng trai để làm đám hỏi.

Chàng trai dường như cũng đã “ưng bụng” nhưng vẫn làm ra vẻ không thuận tình để “giữ giá”. Phía nhà gái vừa phải dùng lời lẽ thuyết phục vừa dùng sức mạnh khống chế để đeo chiếc nhẫn bạc vào tay chàng trai.

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 3

Ban đầu chàng trai chống đối, không chịu để nhà gái đeo nhẫn bạc cho mình.

Sau đó, đàng gái trao lễ vật cho từng thành viên phía đàng trai rồi bàn bạc về những lễ vật thách cưới như con trâu, chiêng ché, dây cườm, thổ cẩm và dĩ nhiên không thể thiếu nhẫn bạc.

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 4

Nhẫn bạc "bắt chồng" được chế tác thủ công của người Chu Ru.

Theo lời bà Ma Bio, nhẫn bạc là vật thiêng trong tình yêu đôi lứa, hiện vẫn được nghệ nhân chế tác theo phương thức thủ công truyền thống. Khi trai gái đã trao nhẫn đính ước cho nhau có nghĩa là trao sự kết nối trọn đời.

Sau đám hỏi, cô gái thường về nhà chàng trai sống vài ngày để làm việc giúp gia đình chồng. Sau đó, nhà gái sẽ biện lễ sang nhà trai để dắt con gái và xin con rể về.

Nếu nhà gái có điều kiện thì tổ chức đám cưới ngay. Lễ cưới kéo dài một ngày một đêm tại nhà gái, do ông cậu lớn nhất trong gia đình nhà gái hoặc già làng đứng ra tổ chức.

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 5

Nhà gái đeo nhẫn bạc cho chàng trai.

Sau khi già làng lấy đầu gà, lưỡi gà để làm luật tục, mẹ cô dâu đeo vòng bạc, nhẫn bạc cho chú rể, còn mẹ chú rể đeo vòng bạc, nhẫn bạc cho cô dâu.

Mẹ cô gái phủ khăn lên người đôi uyên ương như sự giao ước trăm năm gắn bó. Kể từ giây phút đó, đôi trai gái thành vợ chồng.

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 6

Đàng gái trùm chăn qua đầu cô dâu chú rể, chính thức công nhận hai người là vợ chồng.

Đôi vợ chồng trẻ cùng ăn trầu và lắng nghe lời căn dặn của người lớn về đạo nghĩa vợ chồng, trách nhiệm xây dựng tổ ấm, tình yêu thương, đùm bọc, nương tựa vào nhau…

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 7

Hai dòng họ cùng uống rượu cần.

‘Đêm bắt chồng’ của sơn nữ Chu Ru ảnh 8

Nhảy múa mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Sau phần lễ, nhà gái mời cả hai dòng họ ra giữa nhà uống rượu, hát đối và đấu chiêng. Mọi người cùng ăn uống vui vẻ, hòa mình vào múa điệu arya, hát mừng cô dâu, chú rể thành đôi,

MỚI - NÓNG
Bản tin 8H: Bộ Thông tin và Truyền thông điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo
Bản tin 8H: Bộ Thông tin và Truyền thông điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo
TPO - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ tại Văn phòng Bộ, Vụ Khoa học Công nghệ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Cục An toàn thông tin; Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Công nghiệp ICT); Cục Xuất bản, In và Phát hành.