Đề xuất xóa biển xanh, biển đỏ
Trong buổi họp Tiểu ban 1 về Quản lý giao thông tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 diễn ra ngày 22/12, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai Trần Ngọc Sơn đề nghị xóa biển đỏ, biển xanh đối với xe công, cho phép đăng ký một loại biển số xe. “Đối với xe ưu tiên đi làm công vụ đã có đèn, có cờ, có xe dẫn đoàn theo đúng luật quy định. Còn xe mang biển số xanh trong quy định cũng không có ưu tiên. Quan trọng là mọi người khi tham gia giao thông cần bình đẳng trước pháp luật, dù người ngồi lái xe là ai, thuộc cơ quan nào, tổ chức nào”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, theo một đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, ý kiến bỏ biển xanh, biển đỏ của ông Sơn không được đưa thành kiến nghị chính thức đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Sau đề nghị của ông Sơn, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an (chủ trì Tiểu ban 1) đánh giá: “Tôi rất đồng tình với ý kiến trên. Điều này rất đúng. Bây giờ người dân một biển, Nhà nước một biển, Công an một biển. Nhiều trường hợp xe mang biển kiểm soát 80 lưu thông trên đường vẫn vi phạm. Ra đường ông nào cũng to cả”.
Cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại biển xanh cho công an, biển đỏ cho quân đội, lái xe con dân sự khác đều chuyển về biển trắng.
Lộn xộn vì nhiều loại biển
Là người từng được đi nghiên cứu về tình trạng giao thông ở nhiều quốc gia trên thế giới, đại tá Đinh Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT Ninh Bình cho biết, ở nhiều nước phần lớn chỉ sử dụng 2 loại biển, một loại dùng cho những xe dẫn đoàn chở nguyên thủ quốc gia và loại dùng cho các trường hợp còn lại. Theo đó, biển kiểm soát dành cho các trường hợp đặc biệt chỉ vài trăm chiếc chứ không phải vài nghìn chiếc như ở Việt Nam. Họ cũng thống nhất để một cơ quan quản lý, xử lý đối với các phương tiện vi phạm.
Năm 2016, lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội đã xử lý 54 trường hợp xe biển xanh, 34 trường hợp xe biển đỏ, 9 trường hợp biển nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện vi phạm.
Đại tá Ninh cho rằng: Ở Việt Nam biển xanh dùng cho xe cơ quan Nhà nước, rồi cả doanh nghiệp, biển đỏ dùng cho xe quân đội, biển vàng dành cho xe chuyên dùng thi công công trình giao thông, lại còn loại lơ lớ, chữ đỏ nền trắng… khó quản lý, xử lý. Theo đại tá Ninh, nên thống nhất sử dụng 2 loại biển: biển xanh dùng cho cơ quan công quyền, Nhà nước, xe đối ngoại và biển trắng dùng cho xe dân sự.
Còn một cán bộ Đội CSGT số 7 (Phòng 10, Cục CSGT) làm nhiệm vụ trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình cho rằng: Đối với xe biển xanh, biển đỏ thường vi phạm ở lỗi chạy quá tốc độ và chạy sai làn đường. Tài xế của các xe biển xanh, biển đỏ khi vi phạm thường “xin bỏ qua”, không có trường hợp nào chống đối lại CSGT. Vị cán bộ này cho biết, năm 2016 vẫn có xe biển xanh, biển đỏ vi phạm nhưng không nhiều như xe dân sự…
Đội CSGT số 2, xử lý xe biển xanh vi phạm trên đường Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: Hoài Thu (đời sống & Pháp luật).
Đề xuất này phải nghiên cứu thêm
Trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, đánh đồng biển kiểm soát giữa xe công vụ và xe cá nhân sẽ khó quản lý. Đó mới là đề xuất, ý kiến ban đầu của một cá nhân. Việc này cần phải đánh giá rất cẩn thận bởi nó tác động rất nhiều mặt.
Thiếu tướng Quân đặt ra một số vấn đề: Nếu các xe đều đeo biển trắng thì việc giải quyết ưu tiên xe công vụ như thế nào? Việc quản lý tài sản công, xe công vào cơ quan ra sao nếu tất cả đều là xe biển trắng? Chỉ một số đối tượng được sử dụng xe công, khi “đánh đồng” biển số, việc quản lý tài sản đó sẽ như thế nào?
“Không phải xe biển xanh, biển đỏ được ưu tiên trên đường. Luật Giao thông đã quy định rõ, xe công an, xe bộ đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe tang là đối tượng xe ưu tiên khi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Việc không xử phạt, không bắt là do người thực thi nhiệm vụ chưa nghiêm chứ không phải lỗi của biển xanh, biển đỏ. Đề xuất này phải nghiên cứu thêm chứ không thể đề xuất ra là áp dụng được ngay”, Thiếu tướng Quân nói.
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, đề xuất xóa xe biển xanh, biển đỏ nhằm giải quyết vấn đề công bằng nhưng chưa giải quyết được vấn đề ưu tiên công vụ: “Vấn đề là anh áp dụng pháp luật như thế nào chứ không phải bất cập từ xe biển xanh, biển đỏ” - ông Quân nói.
Lái xe biển xanh, biển đỏ càng phải tuân thủ luật
Đồng quan điểm trên, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 Công an Hà Nội cho rằng, đề xuất xoá biển xanh biển đỏ khó trở thành hiện thực. Các nước trên thế giới đều sử dụng nhiều màu cho biển kiểm soát phương tiện. Ở Việt Nam, quy định đăng ký, sử dụng biển kiểm soát đã được quy định rõ cho cơ quan, tổ chức tại Thông tư 15 Bộ Công an.
“Xe gắn biển xanh, biển đỏ lưu thông trên đường vi phạm luật giao thông không phải thời điểm thực thi nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định thì vẫn bị xử phạt bình thường. Nếu tài xế gọi điện can thiệp, xin xỏ thì trách nhiệm thuộc về cán bộ CSGT xử lý vi phạm chứ không phải lỗi do cái biển màu xanh, màu đỏ”, ông nói.
Thượng tá Quỹ cũng cho biết, từ trước tới nay CSGT Hà Nội từng xử lý nhiều xe công gắn biển xanh, biển đỏ. Thậm chí, những vi phạm được người dân quay video, chụp ảnh cũng được xác minh, làm rõ. Một số tài xế lái xe ẩu, coi thường pháp luật vì lái xe biển xanh, lái xe của lãnh đạo thường được ưu tiên tuy nhiên khi bị gửi giấy mời làm việc về cơ quan thì đa số lãnh đạo đều phản ứng và có hình thức kỷ luật đối với người này.
“Lái xe công được đào tạo cơ bản, có sự tuyển chọn để nhận nhiệm vụ tại các cơ quan nhà nước. Màu biển xanh, biển đỏ cũng để người dân dễ nhận diện giám sát. Vì thế, cơ quan tổ chức, cán bộ mà có tài xế lái xe coi thường pháp luật phải thấy tự xấu hổ, có hình thức xử lý thích đáng”, thượng tá Quỹ nói.
Một cán bộ Đội CSGT số 3 Công an Hà Nội cũng chia sẻ với phóng viên, có nhiều tài xế điều khiển xe công vi phạm luật giao thông. Đa số họ nói đang thực thi nhiệm vụ, xin bỏ qua lỗi vi phạm. Tuy nhiên, nhiều người dựa dẫm cơ quan, xe gắn biển xanh chở lãnh đạo để can thiệp khiến việc xử lý gặp khó mất nhiều thời gian. Thậm chí, từng có nhiều trường hợp tài xế nhậu say vi phạm còn hành hung cảnh sát khi bị dừng xe…