Đề văn vào lớp 10 về nghề đóng gạch gây tranh cãi

TPO - Gần 1.400 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2024. Trong đó, lớp chuyên Văn có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất. Đề thi lớp 10 môn Văn của trường gây tranh cãi sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội. 

Tranh cãi đề thi thiếu tinh tế

Hai câu nghị luận trong đề thi lớp 10 môn Văn của Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (sáng 2/6) gây tranh cãi.

Đề thi này có nội dung như sau: "Một tòa nhà tráng lệ được dựng nên từ những viên gạch hồng chắc chắn. Nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là khối đất lặng im. Điều đáng chú ý, chúng đã được tạo nên qua bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ".

Câu nghị luận văn học yêu cầu: "Công việc của người làm gạch giúp liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn".
Yêu cầu nghị luận xã hội là: "Liên hệ sự trưởng thành của bản thân mỗi con người trong cuộc sống, em có nhận thấy sự tương đồng với công việc của người thợ làm gạch?".

Đề văn vào lớp 10 về nghề đóng gạch gây tranh cãi ảnh 1
Đề thi gồm 2 câu, thời gian làm bài 150 phút.

Ngoài việc thiếu trích dẫn nguồn văn bản, đề thi gây xôn xao vì cách đặt vấn đề thiếu logic.

PGS. TS. Đỗ Hải Phong - giảng viên Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội) - nêu quan điểm sự liên tưởng quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn với công việc người thợ "đóng gạch" vô cùng khập khiễng.

Người thợ đóng gạch nào sau khi tâm huyết và khéo léo lựa chọn, nhào nặn cũng phải đóng khuôn thứ chất liệu ấy rồi mới tinh luyện để cho ra lò những viên gạch hồng. Cho dù nhiều loại đến mấy đi nữa cũng phải đều tăm tắp, không gồ ghề.

PGS.TS Đỗ Hải Phong cho rằng không thầy cô dạy lý luận văn học nào thời nay có thể phát ngôn về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học theo kiểu rập khuôn như vậy.

"Không hề muốn xúc phạm công việc của những người làm nghề đóng gạch, song phải thừa nhận rằng việc này đòi hỏi sáng tạo vẫn là trong khuôn khổ công việc của những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, không thể so sánh với sáng tạo văn chương", thầy Đỗ Hải Phong nói.

TS. Nguyễn Ái Học - nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội) - bày tỏ có thể người ra đề muốn nhấn mạnh việc nhà văn nhào nặn vốn sống, nhào nặn ngôn từ khi xây dựng tác phẩm văn chương. Theo ông, điều đó đúng nhưng chỉ đúng ở một khía cạnh.

Đề văn vào lớp 10 về nghề đóng gạch gây tranh cãi ảnh 2

Gần 1.400 thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2024.

"Người ra đề không hiểu được rằng: Có hai yếu tố lớn vô cùng quan trọng giúp sáng tạo nên vẻ đẹp độc đáo, giá trị sâu sắc, sức hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm nghệ thuật là xúc cảm thẩm mỹ cao độ và vô thức cá nhân dữ dội. Do sự hiểu biết không tới nơi nên họ đem ra một đề thi với sự gợi ý so sánh có phần cạn, khô khan, không xứng tầm với một đề thi tuyển học sinh chuyên văn", TS. Nguyễn Ái Học nói.

Việc ra đề như vậy hoàn toàn có thể dẫn đến tai hại đưa văn trở về với văn mẫu, làm mất hết xúc cảm viết văn của học sinh đang muốn vào học chuyên văn.

Ý kiến trái chiều

PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn & Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội - phân tích mỹ cảm văn chương hay sự cảm nhận về cái đẹp, sự tinh tế chưa xuất hiện trong đề thi.

"Không có mỹ cảm văn chương nên sự hình dung về văn chương nghệ thuật chưa cao, còn máy móc, công thức. Có nhiều cách để so sánh, ví von về các văn nghệ sĩ hay chẳng hạn như hình ảnh con ong hút mật, vị tướng tài ba cầm đội quân ngôn từ… ”, PGS.TS Ngô Văn Giá nêu.

Đề văn vào lớp 10 về nghề đóng gạch gây tranh cãi ảnh 3
PGS.TS Ngô Văn Giá nêu quan điểm về đề thi gây tranh cãi.

Ngữ liệu khi ra đề không phụ thuộc vào các tác phẩm có trong sách giáo khoa tạo điều kiện để các nhà giáo thỏa sức sáng tạo khi ra đề. Tuy nhiên, người ra đề cần “đọc rộng, biết nhiều” để chắt lọc những ngữ liệu tốt.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đề thi mở ra cơ hội để học sinh phản biện. Từ hiện tượng trong cuộc sống, thí sinh cần thể hiện được cả hiểu biết thực tế lẫn kiến thức văn học để giải đề.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) nhận xét với học sinh thi vào lớp 10, khả năng lập luận còn yếu, kỹ năng xử lý yêu cầu đề chưa cao như học sinh cấp 3. Đề không đánh đố khi gợi dẫn từ một sự việc cụ thể, giúp học sinh dễ hình dung và liên hệ.

Để giải quyết câu đầu tiên, học sinh cần đưa dẫn chứng về quá trình lao động nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ cho thấy họ cũng như một người thợ làm gạch trong nghệ thuật.

Ở câu thứ hai, sự trưởng thành của mỗi con người tương đồng với công việc của thợ gạch ở chỗ mỗi cá nhân phải rèn luyện, trau dồi cả đạo đức, kiến thức từ những điều nhỏ nhất, để ngày càng hoàn thiện. Điều này giống như việc xây nhà từ những viên gạch đầu tiên.

PGS.TS Ngô Văn Giá nhắc lại quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." (trích tác phẩm Đời thừa). Đó cũng là nhắn nhủ về sự sáng tạo, tránh khuôn mẫu của các văn nghệ sĩ.

Tin liên quan