Đề tham khảo thi THPT quốc gia 2017: Quốc lộ 1 là quốc lộ nào?

Trong phòng thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Trong phòng thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Bộ đề tham khảo vừa được Bộ GD&ĐT công bố được coi là phép thử đối với thí sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia và các cơ sở giáo dục.

Tranh cãi đề môn Địa lý

Sau khi bộ đề thi tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố, Tiền Phong nhận được phản ánh của thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên trường ĐH Đồng Nai đối với đề thi môn Địa lý. Theo thầy Thuật, có hai câu sai kiến thức cơ bản. Thứ nhất, câu 44, mã đề 003 không có đáp án nào đúng.

Câu 44: Quốc lộ 1 bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở  A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nước ta không có quốc lộ 1 mà chỉ có quốc lộ 1A; quốc lộ 1B; quốc lộ 1K...” - thầy Thuật khẳng định.

Câu 52. Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 10, cho biết hệ thống sông nào sau đây nằm cả ở phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam nước ta? \A. Đồng Nai. B. Cả. C. Thu Bồn. D. Mê Công.

“Tôi dạy Địa lý trên 30 năm nhưng không thể trả lời được câu hỏi này. Chẳng lẽ nước ta có hệ thống sông chảy từ miền Bắc xuống tận miền Nam?” - thầy Thuật băn khoăn đặt câu hỏi.

Thứ hai, theo thầy Nguyễn Văn Thuật, đề thi môn Địa lý không bám sát thực tế. Đó là câu 55:

 Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người?

A. TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.  C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội. D. Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.

“Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên một triệu, Hải Phòng trên 2 triệu, còn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì khỏi phải nói. Vậy đáp án nào đúng? Đã sử dụng số liệu để hỏi học sinh thì số liệu cần bám sát thực tế. Học sinh Đà Nẵng sẽ lúng túng với câu hỏi này” - thầy Thuật cho biết.

Thứ ba là trong đề tham khảo, phương án nhiễu vô duyên:

Câu 42. Khu vực nào sau đây ở nước ta có động đất mạnh nhất? A. Nam Bộ. B. Miền Trung.  C. Tây Bắc.  D. Đông Bắc.

Theo thầy Thuật, nước ta không có khu miền Trung mà chỉ có khu Bắc Trung bộ; khu Duyên hải Nam Trung bộ. Mặc dù phương án B là sai nhưng với đề thi trắc nghiệm quốc gia không nên dùng phương án “nhiễu vô duyên”. Loại phương án nhiễu vô duyên chỉ dành cho chương trình “Ai là triệu phú”. Kiến thức địa lý lớp 12 rất phổ thông, mọi người dân lớn tuổi đều biết.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong về đề tham khảo môn Địa lý mã đề 003 vừa được Bộ công bố, một giáo viên dạy chuyên Địa của Hà Nội cho rằng: Với câu hỏi 44, trong tất cả các tài liệu và SGK mà giáo viên, học sinh được tiếp xúc, không có quốc lộ 1A hay 1B mà chỉ có quốc lộ 1.

Với câu hỏi số 52, giáo viên này cho biết, nếu nhìn vào Atlat sẽ thấy sông Mê Công là con sông duy nhất chảy qua hai miền Nam - Bắc. “Sông Mê Công trong quá trình chảy từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á có rất nhiều phụ lưu. Ở miền Bắc, sông Mê Công có phụ lưu chảy vào. Như vậy, câu hỏi và đáp án đều không sai” - vị giáo viên này cho hay.

Đối với câu hỏi 55, vị giáo viên này cũng cho biết, mục đích của câu hỏi là yêu cầu học sinh khai thác Atlat. Đây là câu hỏi ở mức độ đọc hiểu. Đánh giá thêm về đề môn Địa lý, giáo viên này cho rằng đề thi có sự phân hóa, đáp ứng được 2 yêu cầu của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Trong đó, 12 -13 câu đầu chủ yếu yêu cầu học sinh khai thác trong Atlat nên rất dễ “ăn điểm”.

Ngữ Văn: khó viết hay câu 200 từ

Đề tham khảo môn Ngữ văn được đánh giá là đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực của người học. Tuy nhiên, một giáo viên dạy Ngữ văn của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho rằng câu hỏi yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội 200 từ khiến cô lo lắng. “Những đề tham khảo lần trước, Bộ đều có câu hỏi này. Giáo viên chúng tôi đã tập dượt cho học sinh trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, dù là học sinh chuyên, các em mới chỉ đạt đến mức độ “biết làm” câu hỏi này. Còn để làm được hay thì chưa đạt được” – cô giáo phân tích.

Vì theo giáo viên, để viết được 200 từ với đầy đủ bố cục của một bài văn nghị luận xã hội là rất khó. “Viết dài mà hay rất dễ nhưng viết ngắn mà đúng, lại hay thì rất khó. Chúng tôi muốn hỏi Bộ GD&ĐT xem các em viết quá số từ bao nhiêu phần trăm thì có thể chấp nhận được” – giáo viên này băn khoăn.  

Tối 15/5, thay mặt tổ ra đề tham khảo môn Địa lý, trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Đức Vũ cho biết: Trước ý kiến cho rằng, trong đề thi tham khảo môn Địa lý có một số thông tin chưa được cập nhật. Về vấn đề này, Tổ xây dựng đề tham khảo môn Địa lý có ý kiến như sau:

Đề thi tham khảo nhằm giúp cho thí sinh và giáo viên biết được định dạng đề thi để ôn tập cho tốt, không có mục đích định hướng cụ thể nội dung kiến thức nào sẽ thi. Trong quá trình làm đề, Tổ xây dựng đề tham khảo môn Địa lý đã căn cứ vào SGK và Atlat để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất trong dạy học và thi. Tuy nhiên, có một số nội dung trong SGK có thể đã lạc hậu, do tình hình kinh tế xã hội thay đổi liên tục trong khi SGK chưa thể cập nhật thường xuyên. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm khi làm đề thi chính thức không đưa các thông tin chưa được cập nhật trong SGK vào đề thi để tránh gây ra những tranh luận không đáng có.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".