Để công nhân 'an cư lạc nghiệp’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn, hoặc có đầu tư thì cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội nên việc quy định Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết.

Nhà ở là vấn đề bức xúc

Những năm qua, nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề được người lao động quan tâm với mong muốn “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung khó khăn, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư xây dựng nên việc tiếp cận để mua hoặc thuê nhà ở xã hội của công nhân, người lao động vẫn hết sức khó khăn.

Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, nhiều gia đình công nhân 4 người phải chen chúc ở trong những căn phòng chật chội khoảng 10 m2.

“Nhà thuê chật chội, nên chúng tôi để các con nằm giường, còn bố mẹ trải chiếu nằm sàn”, chị Nguyễn Thị Đào (30 tuổi), quê ở Nam Định đang làm việc ở một khu công nghiệp ở Hà Nội chia sẻ.

Để công nhân 'an cư lạc nghiệp’ ảnh 1

Nhiều gia đình công nhân phải thuê nhà ở chật chội.

Cũng vì nhà ở chật chội, nhiều gia đình không dám cho con ở cùng mà phải gửi về quê, ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc, học hành. Nhiều trường hợp, vì khó khăn chỗ ở nên sau khi lập gia đình, có con nhỏ đã bỏ việc để về quê sinh sống. “Nếu điều kiện ăn ở tốt hơn, nhất là có chính sách hỗ trợ về nhà ở thì chắc chắn các bạn ấy đã không bỏ việc”, Đào nói.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong các hội nghị tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với cử tri với công nhân, người lao động thời gian qua, vấn đề nhà ở cho công nhân cũng chính là nội dung được cử tri gửi gắm nhiều và mong Quốc hội có các quyết sách để họ có thể “an cư lạc nghiệp”.

“Nhiều gia đình không dám cho con ở cùng mà phải gửi về quê, có bạn sắp đến ngày sinh nhưng chủ nhà trọ đòi nhà, có bạn vào dịp giáp Tết, công ty nợ lương không có tiền về quê nên ở lại, nhưng không đủ tiền trả tiền nhà, bị chủ nhà trọ yêu cầu dọn đi chỗ khác… Chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đặc biệt vấn đề này để công nhân an cư, lạc nghiệp”, ông Nguyễn Việt Anh - Công đoàn Tổng Cty CP Bưu chính Viettel bày tỏ tại diễn đàn người lao động năm 2023.

Thêm nguồn lực tham gia phát triển nhà ở xã hội

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và huy động thêm các nguồn lực tham gia vào phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, một trong những giải pháp được nhiều đại biểu đồng tình là Luật Nhà ở (sửa đổi) cần cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Tại phiên thảo luận mới đây tại Quốc hội về Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội, việc quy định Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết; phát huy nguồn lực phát triển xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Để công nhân 'an cư lạc nghiệp’ ảnh 2

ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái)

Điều này cũng giúp tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, ông Luận cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan của một số luật để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, vừa góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

Để đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, bà Nga đề nghị nên quy định các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân và người lao động thuê.

“Đây là nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động; đặc biệt là góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở hay công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp”, nữ đại biểu đoàn Hải Dương nói.

MỚI - NÓNG