Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 1

Bước chân vừa qua cửa soát vé điện tử ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi gặp nhóm du khách ngoại quốc rảo bước tới trước Khuê Văn Các. Dắt túi chút thông tin về biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, du khách người Tây Ban Nha kể dành riêng ba ngày để khám phá Hà Nội.

“Chúng tôi được biết thêm nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa và đời sống ở Hà Nội. Chúng tôi cũng tranh thủ xem múa rối nước và lấy làm thích thú”, du khách Miguel Salvo nói.

Hà Nội là nơi nhất định phải đến đối với đông đảo du khách quốc tế khi đặt chân tới Việt Nam. Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm dừng chân khám phá lịch sử, văn hóa đặc sắc bậc nhất Thủ đô.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 2

Lâu nay, du lịch văn hóa luôn được xác định là nền tảng để phát triển du lịch một cách bền vững, giúp gia tăng sức hút với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình từng nhấn mạnh, du lịch văn hóa được xem là sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.

Điều hấp dẫn, thu hút nhất đối với khách quốc tế, đó là bản sắc văn hóa của các quốc gia thể hiện ở sản phẩm du lịch. Du khách khi đến Việt Nam thường tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo, những trải nghiệm khám phá văn hóa bản địa, được hòa cùng người dân, tận hưởng vẻ đẹp của địa phương...

Thủ đô Hà Nội với nguồn tài nguyên dồi dào cũng hòa chung dòng chảy chung của du lịch văn hóa. Sở hữu gần 6.000 di tích, hơn 1.300 làng nghề cùng nhiều danh lam thắng cảnh, Hà Nội quy tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành điểm đến du lịch văn hóa.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 3

Tại Hội nghị Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, bên cạnh nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng nhân văn để phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Khách du lịch lựa chọn Hà Nội là điểm đến trong chuyến đi của mình chủ yếu vì giá trị văn hóa, lịch sử, yếu tố tài nguyên tự nhiên.

Vì vậy, hầu hết các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có gắn liền với di sản văn hóa của Thủ đô như: điểm du lịch Bát Tràng gắn với di sản nghề gốm sứ làng Bát Tràng, di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Gia Lâm) gắn với di sản Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc đã được UNESCO ghi danh...

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 4

Sự ra đời của nhiều sản phẩm du lịch đêm góp phần làm phong phú thêm hoạt động du lịch Thủ đô. Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội công bố 15 sản phẩm du lịch đêm, bao gồm: show diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ (huyện Quốc Oai), tour tham quan Hỏa Lò về đêm với 3 chủ đề khác nhau, tour đêm Giải mã Hoàng Thành tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tour đêm Chữ Tâm chữ Tài tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tour ẩm thực Tống Duy Tân - Tạ Hiện - Chợ đêm Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chương trình nghệ thuật Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Những tour đêm này ngày càng thu hút du khách, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, đón hàng triệu du khách mỗi năm. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết tour đêm Văn Miếu đang trong giai đoạn thử nghiệm, bước đầu thu hút được sự quan tâm, động viên, khích lệ của khách tham quan.

“Tuy nhiên, chương trình cần tiếp tục phải được hoàn thiện về nội dung, về cách thức vận hành để chính thức thành một dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan. Nếu điều đó thực hiện được, tour đêm Văn Miếu sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa của Thủ đô, quảng bá được giá trị của di tích, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, ông Lê Xuân Kiêu nêu.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 5Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 6Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 7Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 8

Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Cty du lịch Travelogy Việt Nam nhận định những tour đêm ở Hà Nội đang đi vào quỹ đạo, trở thành sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo dành cho du khách.

Các tour đêm thành công ở Hà Nội dễ dàng kể ra những cái tên như Giải mã Hoàng Thành, Tinh hoa đạo học, tour đêm Hỏa Lò, Ngọc Sơn - Đêm huyền bí… Tuy nhiên, những tour du lịch này mới chỉ thành công thu hút du khách trong nước và sự tham gia của một số du khách quốc tế vãng lai.

“Chúng ta cần đẩy mạnh và làm những tour này nổi bật, thành công hơn nữa, thậm chí để các doanh nghiệp lữ hành thêm các sản phẩm này vào chương trình tour của họ và bán cho du khách quốc tế. Nếu làm được như vậy tôi nghĩ du lịch văn hóa mới thật sự thành công rực rỡ”, ông Vũ Văn Tuyên nêu.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 9

Thành phố Hà Nội cùng lúc triển khai nhiều tuyến du lịch gắn với khu di sản Hoàng thành Thăng Long - di tích Quảng trường Ba Đình - Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn Miếu Quốc Tử Giám, chuỗi sản phẩm gắn với Thăng Long Tứ trấn, khu vực Hồ Tây, khu vực phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Mới đây, du lịch Hà Nội đã công bố và đưa vào khai thác tuyến du lịch Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội, tuyến du lịch cộng đồng bản Miền Ba Vì gắn với việc khai thác giá trị văn hóa bản địa và làng nghề làng thuốc Nam của người Dao…

Tất cả những sản phẩm du lịch này tạo nên sức hút cho du khách trong và ngoài nước. Không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ, gắn chặt với các di sản văn hóa Thủ đô, những sản phẩm du lịch đêm đang góp phần hình thành nên diện mạo kinh tế đêm Thủ đô, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 10
Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 11

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Hồ Gươm hay nhiều di sản phi vật thể nổi bật của Hà Nội… hình thành nên quỹ di sản vô giá của Thủ đô.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, để du lịch văn hóa “chạm” được tới du khách các địa phương, điểm đến cần có sự sáng tạo trong cách kể câu chuyện lịch sử, văn hóa của mình. Theo đó, cần phải "thổi hồn" cho những di tích, di sản đang có bằng nhiều trải nghiệm mới.

Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn gắn với di sản, di tích và làng nghề sẽ níu chân khách dài ngày nếu có định hướng phát triển đúng. Nêu dẫn chứng về vấn đề này, ông Phùng Quang Thắng cho biết trải nghiệm của du khách tại điểm tham quan làng tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) mới dừng lại ở “check-in” chụp ảnh, trong khi họ có nhiều nhu cầu khác.

Du lịch văn hóa cần có đội ngũ nhân lực chất lượng để có thể truyền tải tốt giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đồng thời tạo ra cảm nhận và trải nghiệm thú vị của du khách. Cần phát triển tuyến du lịch để tạo ra chuỗi dịch vụ đa dạng hơn, tăng cường trải nghiệm của du khách”, ông Phùng Quang Thắng nhận định.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 12

Xây dựng và phát triển các tour du lịch độc đáo, tìm hiểu về lịch sử, trải nghiệm phong phú về văn hóa của địa phương, các công đoạn sản xuất của nghề, ẩm thực đặc trưng… cũng được du khách quan tâm. Chuyên gia hiến kế mở rộng các điểm phát wifi miễn phí và ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch thông minh, xây dựng các tour du lịch 3D, trải nghiệm thực tế ảo, tạo mã QR, lắp đặt hệ thống bảng giới thiệu về di tích.

Một trong những nỗ lực mang di sản đến gần với du khách là việc cho ra đời ứng dụng Outting nhằm quảng bá di tích, di sản thông trò chơi. Quá trình tham quan, khám phá các di tích trở nên hấp dẫn, lý thú hơn với các trò chơi, nhiệm vụ trên ứng dụng điện thoại. Các phần chơi trên cả hành trình được thiết kế thân thiện, dễ thực hiện mà không cần sự hỗ trợ quá lớn của các hướng dẫn viên.

Ứng dụng sẽ vẽ đường đi từng trạm, khi đến đúng điểm, du khách được ứng dụng giới thiệu thông tin về di sản đó. Các nhiệm vụ, thử thách cũng lần lượt được đưa ra, gắn với các sản phẩm đặc trưng của điểm đến. Người chơi phải trả lời từng câu hỏi để tích điểm để giành chiến thắng chung cuộc.

Là người làm trong ngành du lịch, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Outing app Nguyễn Bá Tùng nhận thấy, nếu trước đây phần lớn du khách đều trải nghiệm qua đôi mắt (thụ động) thì hiện nay, du khách lại mong muốn được trải nghiệm và được hòa mình vào hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến.

“Sau khi tổ chức các hoạt động cho du khách trải nghiệm, các tour du lịch kiểu mới như vậy đã mở ra hướng tiếp cận mới mẻ và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả người dân địa phương và du khách quốc tế. Chính vì thế, hiện nay, chúng tôi đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động thêm nhiều tour game di sản mới tại các điểm du lịch như: Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…”, ông Nguyễn Bá Tùng nêu.

Tour làng cổ Đường Lâm và trải nghiệm foodtour phố cổ Hà Nội bằng trò chơi di động là hai chương trình được yêu thích tại Hà Nội, thổi làn gió mới vào các sản phẩm truyền thống.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, việc phát triển du lịch gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chính là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch là động lực và tạo nguồn lực để tăng cường bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa.

“Để phát phát triển mạnh hơn, tương xứng với những lợi thế về tài nguyên, vị trí, chính sách và sự quan tâm, Hà Nội rất nhiều việc để làm và thúc đẩy. Trong đó có việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tour du lịch văn hóa-lịch sử hấp dẫn, độc đáo mang tính riêng biệt gắn với nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào có vai trò hết sức quan trọng”, ông Thái nói.

Di sản văn hóa phong phú, giàu giá trị nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta chỉ dừng ở việc bảo tồn nguyên trạng hoặc đóng khung. Sức sống của di sản chỉ có thể được nhân lên, lan tỏa và chạm tới du khách nhờ những giải pháp đảm bảo sự hài hòa của bảo tồn và phát huy, giữa bảo vệ và khai thác giá trị kinh tế.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 13
Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 4: Điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ảnh 14
Tin liên quan