Du khách nhìn Hà Nội bằng con mắt mộng mơ sẽ thấy nhiều dáng vẻ của Thủ đô. Mảnh đất ngàn năm văn hiến không nằm ngoài dòng chảy hội nhập, hấp thu tinh hoa nhân loại để tạo nên diện mạo mới trên nền tảng bề dày lịch sử, văn hóa.
Sự thâm trầm vốn có không đối nghịch với vẻ năng động, hiện đại. Hà Nội đâu chỉ đổi thay bốn mùa, hay như lời bài hát Hà Nội 12 mùa hoa, Hà Nội còn có sự đổi khác giữa ban ngày và khi ánh đèn phủ khắp thành phố.
Hồ Gươm giữa “lung linh mây trời” huyền ảo hơn trong đêm. Những con phố đông đúc, náo nhiệt ban ngày cũng mềm mại, lộng lẫy hơn khi được thắp sáng và nhấn nhá bằng những tác phẩm nghệ thuật công cộng độc đáo.
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật lột xác ngoạn mục trong dịp 30/4/2024, giữa một bên là sự thô ráp, xù xì với một không gian sáng tạo đẹp và hấp dẫn. Cây cầu kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - đại diện nhóm họa sĩ - khẳng định, đây là “sự cộng hưởng từ một dự án sinh thái, một dự án cộng đồng và nghệ thuật, làm nên giá trị riêng cho Hà Nội, kết hợp hai không gian sinh thái văn hóa - xã hội trong và ngoài đê".
Nhóm họa sĩ đã thắp sáng cây cầu cũ, biến nó thành một thủy cung sinh động với những hệ “sinh thái biển” như cá, mực, sứa... bằng vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế.
“Mỗi lần đi qua cây cầu lại giống một lần đi giữa thủy cung. Tôi mong thành phố nhân rộng những dự án như thế này”, chị Nguyễn Thu Hà (quận Hoàn Kiếm) nói.
Dõi theo quá trình thay áo mới cho cầu đi bộ, anh Nguyễn Văn Thành (Ba Đình) vì thế thường xuyên đưa các con đến trải nghiệm. Không chỉ chụp ảnh lưu niệm với những góc trang trí vui mắt, anh muốn các con có thêm bài học về bảo vệ môi trường.
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật là một trong những điểm nhấn sáng tạo. |
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật, phố bích họa Phùng Hưng, khu nghệ thuật Nhật, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám,… tạo nên hệ thống không gian sáng tạo đa dạng, đa màu sắc của Hà Nội.... Đây chính là những ví dụ sinh động nhất cho thấy những bước đi cụ thể, đột phá để Hà Nội hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Thành phố tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo, như Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội, Thiết kế Km số 0, Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội,… và đặc biệt là các Lễ hội Thiết kế Sáng tạo.
Từ đây, nhiều công trình ấn tượng ra đời, có thể kể đến công trình cải tạo Tháp nước Hàng Đậu thành không gian nghệ thuật, tạo không gian kiến trúc Bến chờ tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, chuyến tàu Hành trình di sản khởi hành từ ga Hà Nội qua ga Long Biên, ga Gia Lâm,…
Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Triển lãm Sắp đặt nước và di sản Tháp nước hàng Đậu do nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương cùng cộng sự thực hiện, đánh thức công trình giữa Thủ đô với diện mạo mới.
Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, trưng bày ở triển lãm mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật mới lạ và sáng tạo với âm thanh và ánh sáng.
Những tác phẩm nghệ thuật với mảng màu loang lổ được làm từ ni lông tái chế, được sắp xếp sống động và đầy bay bổng. Trong những ngày mở cửa, hàng dài người dân đợi sẵn từ vài tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc vừa quen, vừa lạ.
Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 cho biết, lễ hội thu hút khoảng 200 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, 30 nghìn lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu, hơn 25 nghìn vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản.
Sự tham gia sáng tác của 1 nghìn nhà sáng tạo nội dung, hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội là minh chứng cho sức hút của thương hiệu thành phố sáng tạo.
Tháng 5/2023, phòng triển lãm ngoài trời có bốn bề bằng gương lớn, bao quanh đài phun nước của vườn hoa Diên Hồng là thiết kế độc đáo gây chú ý, khoác tấm áo mới cho công trình tồn tại lâu đời ở trung tâm thành phố.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, Thủ đô có các chính sách đặc biệt cùng nhiều nguồn lực để phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đã thiết kế những điều khoản, điều luật (Điều 23) nói rất rõ về phát triển công nghiệp văn hóa và Thành phố Sáng tạo. Các chính sách về phát triển nguồn lực và thương hiệu, cách thức tổ chức, thực hiện cũng được Hà Nội sắp đặt, thể hiện từ Điều 21 đến 42 trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
“Hiện tại, Hà Nội đang hoàn thiện hai quy hoạch, đó là quy hoạch chung Thủ đô, tiếp đến là quy hoạch về xây dựng, thiết kế Thủ đô. Chúng tôi đang thiết kế những không gian sáng tạo, khu vực sáng tạo mà Hà Nội sẽ có nguồn lực để xây dựng và phát triển các không gian này. Ngoài ra, Thủ đô có nguồn lực ngân sách để phục vụ cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể để họ sáng tạo”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội khẳng định, khi xây dựng thương hiệu sáng tạo cho Thủ đô, Hà Nội xác định nguồn lực đầu tiên là con người, bởi con người Hà Nội hội tụ những yếu tố tinh hoa nhất.
Nguồn lực tiếp theo là tài nguyên di sản, với hơn 5 nghìn di tích lịch sử, gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể và cả nghìn làng nghề. Nguồn lực thứ ba là các thiết chế và thể chế có liên quan đến văn hóa. Thủ đô Hà Nội có số lượng thiết chế văn hóa - thể thao nhiều nhất cả nước.
Dấu ấn của một thành phố năng động, trẻ trung dần hiện hữu ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Hàng loạt các không gian văn hóa sáng tạo ra đời, tạo sự sống động cho không gian thành phố.
Với những thành tựu bước đầu trong vài năm thực hiện công nghiệp văn hóa, Hà Nội có bước chạy đà đáng kể. Trong thời gian tới, để triển khai mô hình thành phố sáng tạo vào thực tiễn hiệu quả hơn nữa, chính quyền thành phố cần xây dựng các cơ chế, mô hình cụ thể.
PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, môi trường xúc tác cho sáng tạo cần có sự tích hợp, phối hợp của nhiều ngành, lĩnh vực, từ quy hoạch chung đến giáo dục, đào tạo, từ cơ sở hạ tầng văn hóa đến cơ chế, chính sách cũng như năng lực của cá nhân, cộng đồng, đơn vị, tổ chức,...
Vì vậy, ý tưởng về thành phố sáng tạo nếu không được triển khai thành các hành động cụ thể và không đem đến các hiệu quả nhất định như UNESCO đã đề ra, có thể đứng trước nguy cơ chỉ tồn tại như một khẩu hiệu.
Về cơ cấu tổ chức, cần triển khai, thành lập các Ủy ban với sự hỗ trợ của các nhóm tư vấn về thành phố sáng tạo cũng như tính đến việc thành lập mạng lưới chung các thành phố sáng tạo của Việt Nam trong tương lai.
"Giải pháp này giúp tăng cường đối thoại, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố. Hình thành các cơ chế ưu đãi để huy động nguồn lực cho thành phố sáng tạo (về nhân lực, vật lực, tài lực) như ưu đãi về cơ sở hạ tầng, thành lập quỹ sáng tạo thành phố, có cơ chế chính sách thu hút tài năng sáng tạo, tạo sinh khí và đổi mới các không gian công cộng…. cũng là giải pháp quan trọng”, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy nói.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, Hà Nội cần thêm những không gian nghệ thuật công cộng - một trong những tiêu chí để đánh giá cam kết theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững của một thành phố.
Không những thế, không gian nghệ thuật công cộng có vai trò cung cấp cho người dân và du khách tới thủ đô những trải nghiệm nghệ thuật và tăng khả năng kết nối, cố kết cộng đồng..., nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đây cũng là nền tảng thúc đẩy năng lực của nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo.
Các chuyên gia đề xuất hoạt động tái thiết đô thị phải gắn liền với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố, đồng thời kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống để tạo ra các không gian sống đa dạng và phong phú.
Họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn khẳng định, những công trình sáng tạo phải tham gia bài bản vào một hệ thống, không phải theo kiểu ngẫu hứng.
Để làm được điều này, cần những chính sách thực sự đồng hành với những người sáng tạo. “Cái lõi của làm công nghiệp văn hóa phải là người làm văn hóa. Người làm văn hóa chính là những người tạo ra những giá trị gia tăng từ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật. Đi cùng là cả một hệ thống những người đi theo phục vụ hệ thống đó, tạo ra công ăn việc làm”, ông Nguyễn Thế Sơn nói.
Hà Nội được công nhận thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Theo UNESCO, các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển. Kinh nghiệm phát triển, đổi mới của các thành phố trong mạng lưới để lại nhiều bài học cho Hà Nội trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản truyền thống, kết hợp với giá trị nghệ thuật hiện đại.
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng nỗ lực chuyển mình thành không gian sáng tạo, hút khách quanh năm. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ kinh nghiệm phát huy giá trị di sản, tạo nên không gian sống động, phù hợp với khách tham quan ở nhiều lứa tuổi.
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám thêm diện mạo khi phát triển tour đêm. |
“Định hướng rõ ràng để đưa di tích từng bước trở thành không gian sáng tạo được cụ thể trong các đề án, kế hoạch hằng năm của trung tâm. Chúng tôi duy trì cầu nối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo để tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng trên nền tảng các giá trị của di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám như triển lãm, cuộc thi vẽ tranh, thiết kế…”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ. Nguồn lực cho hoạt động sáng tạo luôn được ưu tiên tại di tích quốc gia đặc biệt này.
Bài học rút ra từ những nỗ lực khoác áo mới cho di tích là thay đổi nhận thức của các đơn vị nhà nước trong quá trình hợp tác với các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo. Không gian sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển dựa trên cái bắt tay mang tính bền vững, hai bên cùng có lợi thay vì các sự kiện, hoạt động ngắn hạn.
Những chính sách, định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, bao trùm, phát triển kinh tế xanh, bền vững… có sự cộng hưởng hài hòa với triết lý về các thành phố sáng tạo gắn với các mục tiêu chung của UNESCO, như đa dạng văn hóa, phát triển bền vững, đảm bảo quyền văn hóa của người dân.
Với nguồn tài nguyên, vốn văn hóa phong phú, giàu bản sắc, Hà Nội có cơ hội rộng mở để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng văn hóa và kích hoạt tốt các nguồn lực sáng tạo.