Người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung ngợi ca Hà Nội bằng những lời bay bổng có thể là do sự ưu ái, là vì mê đắm nên nhìn Hà Nội bằng cặp mắt mộng mơ. Thế nhưng sức hút của mảnh đất ngàn năm văn hiến được chứng minh qua sự trải nghiệm, gắn bó dài lâu và tình cảm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu và du khách quốc tế.
Nhà sử học người Pháp Philippe Papin ra mắt cuốn Lịch sử Hà Nội (2010) đúng dịp Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Lịch sử Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là đề tài luận án tiến sĩ của ông.
“Tôi dành bảy năm để hoàn thành luận án này. Sau đó tôi muốn chuyển sang viết về lịch sử thành phố Hà Nội nói chung, buộc tôi phải nghiên cứu nhiều tài liệu về các giai đoạn lịch sử khác. Tôi sống ở Hà Nội nhiều năm và lấy vợ Việt Nam, có nhiều tình cảm với thành phố. Càng nghiên cứu tôi càng thấy lịch sử Hà Nội lôi cuốn, mang dấu ấn của nhiều thời kỳ khác nhau”, ông từng trả lời Tiền Phong.
Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình.
Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, cũng như khát vọng về hòa bình của nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. UNESCO đã xem xét nhiều tiêu chí về phúc lợi xã hội, sự trù phú về văn hóa và sự đa dạng của các thực hành văn hóa ngay tại Thủ đô.
Phát biểu tại lễ trao danh hiệu, Tổng Giám đốc khi đó của UNESCO là ông Federico Mayor đánh giá: “Thành phố Hà Nội có quá trình lịch sử đầy ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực tôn tạo các di tích, hỗ trợ giao lưu văn hóa - nghệ thuật, khuyến khích ngành nghề truyền thống và bảo vệ môi trường. Thành phố cũng đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là ưu tiên trong chính sách phát triển. Hà Nội thể hiện sự quan tâm mang tính nhân văn đối với những vấn đề khác nhau, đặc biệt là cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn 2,5 triệu người dân Thủ đô”.
Hà Nội không ngừng chuyển mình trong 25 năm qua, vẽ nên diện mạo mới ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch. Quy mô dân số tăng khoảng 2,5-4 lần. Tuy vậy, thành phố vẫn bảo tồn những giá trị riêng có. Hà Nội vẫn còn đó những giá trị của 25 năm về trước, đó là kho tàng văn hóa đồ sộ, không gian nghệ thuật sáng tạo và tinh thần đoàn kết, phẩm chất của người Thủ đô.
TS. Trần Nghĩa Hòa, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hà Nội nhận định, cả hệ thống chính trị Thủ đô đang phấn đấu tiếp tục phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc màu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, nâng tầm.
TS. Trần Nghĩa Hòa cho rằng, cần lan tỏa hơn nữa giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình công tác giáo dục truyền thống, định vị thương hiệu, danh hiệu Thủ đô là điểm đến an toàn, hòa bình, là nơi ký kết, hòa giải, kết nối khu vực và toàn cầu.
“Hà Nội cần kế hoạch tổ chức các sự kiện đối ngoại văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới, tiếp tục nâng cao hơn nữa quyền tiếp cận các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại thông qua hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác hữu nghị quốc tế”, chuyên gia đề xuất.
Từ Hà Nội 36 phố phường, Thủ đô đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ được hợp lực của nền văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài sau khi mở rộng địa chính thành phố. Bức tranh đô thị Hà Nội bừng sáng nhờ hệ thống hạ tầng cầu đường được đầu tư, nâng cấp và ngày càng hoàn thiện.
Không chỉ dừng ở không gian hiện tại, Hà Nội đang vươn mình và tương lai tiếp tục phát triển rực rỡ hơn ra phía sông Hồng. Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: "Xây dựng không gian phát triển sông Hồng trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô".
Sông Hồng trở thành trục trung tâm, trở thành trục đột phá của thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại. Quy hoạch Hà Nội cũng cho thấy định hướng đi đầu về khai thác, phát huy giá trị của nguồn lực văn hóa trong sự phát triển chung của thành phố.
Những giá trị văn hóa qua bao thăng trầm đời bồi đắp nên bản sắc văn hóa thấm đẫm tinh hoa đất và người Tràng An. Trải dài lịch sử, từ quá khứ hào hùng tới thời đại mới hội nhập và năng động, Hà Nội luôn giương cao ngọn cờ của vùng đất của lịch sử, văn hóa.
Danh hiệu Thành phố vì hòa bình sau này chính là bệ phóng quan trọng để Hà Nội xác lập vị thế thành phố lễ hội, thành phố sáng tạo và đi đầu về du lịch văn hóa. Những dấu ấn về thành tựu của 25 năm hội nhập và phát triển văn hóa đang tạo đà cho công nghiệp văn hóa tăng tốc theo định hướng của thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài.
Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
“Trong nhiều năm qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn, 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố. Công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm”, ông Nguyễn Văn Phong nêu.
Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô là liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư tại Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả rõ nét Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội. Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt cũng 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội).
Năm 2022, thành phố đã thông qua Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và những năm tiếp theo với hơn 14 nghìn tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.
Sau hơn một năm ban hành Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa, các sản phẩm thủ công và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố.
Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội. Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm chỉ trong hơn 3 năm có gần 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức. Không gian văn hóa Phố sách Hà Nội đón hơn 3 triệu độc giả trong 5 năm, đem về doanh thu khoảng 29 tỷ đồng,…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành văn hóa và thể thao do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, mong muốn ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ phải có sản phẩm văn hóa chất lượng, thu hút người dân, khách du lịch.
“Trước tiên các sản phẩm văn hóa nghệ thuật phải có người xem, người thưởng thức. Các hoạt động phải đảm bảo tính hấp dẫn khi vừa có bản sắc dân tộc vừa có tính hiện đại. Chúng ta không thể trình bày, biểu diễn những gì sẵn có mà cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc, phù hợp với thời đại”, bà Vũ Thu Hà nói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị sự nghiệp của Thủ đô xác định được sản phẩm thế mạnh, từ đó đề xuất danh mục đầu tư, cơ chế cần tháo gỡ, đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng. Các đơn vị nghệ thuật của thành phố phải tổ chức thành công, thường xuyên các buổi diễn để tạo ra nguồn thu và quay vòng đầu tư.
Trong năm 2023, Hà Nội đã thí điểm có hiệu quả nhiều dự án. Một số dự án chưa mang lại nguồn thu nhưng đem lại cách tiếp cận mới, cách nhìn mới cho các nhà quản lý về công nghiệp văn hóa.
Tư duy đổi mới là yếu tố tiên quyết để thu hút nguồn đầu tư và các nhà sáng tạo văn hóa. Trong năm 2024, các đơn vị sự nghiệp của Thủ đô cần xác định được sản phẩm thế mạnh, từ đó đề xuất danh mục đầu tư, cơ chế cần tháo gỡ, từ đó đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng.