Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 1

Hà Nội có ý tưởng mở lễ hội Tây Hồ tại không gian ôm trọn hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Thủ đô, chỉ cách sông Hồng một con đê. Đề xuất vừa được đưa ra này góp thêm một đặc sản tinh thần cho hệ thống lễ hội dày đặc từ truyền thống cho tới hiện đại.

Mỗi tấc đất Hà Nội thấm đẫm trầm tích văn hóa cả nghìn năm nay. Đâu chỉ có danh xưng Thành phố vì hòa bình, Hà Nội còn là Thành phố di sản với hơn 5.900 di tích lớn nhỏ. Hệ thống di sản vật thể sản sinh ra cả nghìn lễ hội phản ánh đời sống tinh thần phong phú, đậm chất kinh kỳ.

GS. Trần Quốc Vượng và nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán nhận định trong cuốn Hà Nội nghìn xưa: “Người Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tài hoa biết làm mà cũng biết vui chơi. Vui chơi giải trí lành mạnh và bổ ích”.

Hai nhà sử học, nhà nghiên cứu điểm danh những thú chơi của người Hà Nội xưa, từ tập luyện thể thao ở giảng võ đường, thi bơi ngay giữa Hồ Gươm tới vui hội: “Hội mùa xuân. Mỗi phường phố Thăng Long đều dựng cột đu, những tà áo, dây lưng đầy sắc màu rực rỡ tung bay, run rẩy trước gió xuân. Và kéo co, bên thua uống nước lã, bên được nhắm rượu nồng. Thăng Long mồng 3 Tết, vua Trần cùng trăm quan ngự trên lầu cửa Đại Hưng (Cửa Nam) xem trai gái tung còn”.

Tác giả chỉ ra rằng, từ đời Lý, Thăng Long đã có đội múa, đội nhạc chuyên nghiệp phục vụ trong cung vua vào những ngày lễ hội. Văn bia chùa Đọi lưu lại những dòng chữ miêu tả sinh động về vũ nữ nhuần nhị nét thanh tân “giơ tay nhỏ múa khúc Hồi phong, nhíu mày đẹp hát bài Thịnh vân”. Những nhạc sĩ triều Lý, triều Trần “phấn khởi thiên tài, chế thành diệu khúc. Lãng không tiếng át hành vân, hòa quản mà tiếng đầy ân trạch”.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 2

Hoàng thành Thăng Long được ghi nhận là di sản thế giới không chỉ chứa đựng hệ thống di tích, di vật trải dài từ thời Lý - Trần cho tới nhiều triều đại nối tiếp, thể hiện trung tâm quyền lực qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trung tâm quyền lực ấy là nơi phát tích nhiều nghi thức, nghi lễ độc đáo. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể lâu đời gắn với Hoàng thành Thăng Long là lễ hội đèn Quảng chiếu.

Quảng chiếu là để lan tỏa ánh sáng từ bi của đạo Phật. Lễ hội đèn Quảng chiếu do đích thân nhà vua làm chủ tế gắn với giai đoạn lịch sử Phật giáo phát triển rực rỡ của thời Lý - Trần. Đại Việt sử lược ghi rằng, năm Canh Dần (1110), năm Bính Thân (1116) hội đèn Quảng chiếu được tổ chức ở cửa Đại Hưng.

Lễ hội bị mai một theo biến thiên của lịch sử, nhưng vẫn nuôi dưỡng truyền thống văn hóa nghìn năm của đất Thăng Long. Hà Nội đã nhiều lần lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để phục dựng nét văn hóa cổ độc đáo của đất kinh kỳ.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 3

Mạch nguồn lễ hội truyền thống được trao truyền qua bao đời, vẫn căng tràn sức sống hòa vào dòng chảy của đời sống đương đại. Những nghi thức thiêng như kiệu quay, đoàn rước, dâng lễ vật lên Đức Thánh Tản ở Hội Gióng Sóc Sơn, Hội Gióng đền Sóc… không bị mai một, được chắt chiu những giá trị tinh hoa.

Sau những mùa hội gây ồn ào vì những xô đẩy, chen lấn chưa đẹp, Hà Nội chấn chỉnh công tác tổ chức để đưa lễ hội về với những nét đẹp cổ truyền, ứng xử văn minh của đời sống mới.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 4Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 5Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 6

Đầu xuân 2024, các lễ hội có nhiều điểm mới, văn minh và gọn gàng hơn. Lễ hội đền Hai Bà Trưng chuyển khai mạc sang buổi tối cùng chương trình bán thực cảnh có sử dụng công nghệ 3D mapping Âm vang Mê Linh. Lễ hội Gióng đền Sóc tổ chức khai mạc muộn hơn một tiếng, bớt hẳn cảnh tranh cướp lộc,…

Bên cạnh phần lễ truyền thống, nhiều hoạt động thăm thú, trải nghiệm văn hóa được xây dựng để phục vụ nhu cầu của du khách.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, những lễ hội truyền thống ở Hà Nội chính là những bằng chứng lịch sử của truyền thống văn hóa, trung tâm chính trị của cả đất nước Việt Nam. Sự hiểu biết sâu sắc về những giá trị văn hóa Hà Nội của chính quyền thành phố và người dân khiến họ luôn chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội truyền thống.

“Những lễ hội này không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa mà còn góp phần xây dựng và củng cố bản sắc văn hóa của thủ đô và đất nước. Chính sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và sự phong phú trong các hoạt động lễ hội đã tạo nên danh hiệu "thành phố của những lễ hội" cho Hà Nội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 7

Gọi Hà Nội là thành phố lễ hội không chỉ vì thành phố có nhiều lễ hội truyền thống. Hàng loạt lễ hội đương đại được tổ chức những năm gần đây bồi đắp thêm không gian sinh hoạt văn hóa sống động cho người dân Thủ đô. Đây cũng là cách quảng bá hình ảnh Thủ đô thân thiện, văn minh, hấp dẫn trong thời đại mới. Nhiều biểu tượng văn hóa trở thành đại sứ du lịch trong lễ hội.

Từ năm 2022, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội được tổ chức thường niên. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 thu hút 60 nghìn lượt du khách trong ba ngày, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô vào mùa thu.

Điểm nhấn của lễ hội là sự kiện cộng đồng, diễu hành Bách hoa bộ hành với sự tham gia của 100 người trong trang phục áo dài ngũ thân, cổ phục. Hoạt động khơi gợi và quảng bá nét đẹp văn hóa đến với quần chúng trên các tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 8

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với mục tiêu kích cầu du lịch, bảo tồn, tôn vinh và khai thác các giá trị của tà áo dài gắn với du lịch, thương hiệu Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội để lại dấu ấn tốt đẹp cho người dân và du khách trong, ngoài nước.

Chưa có lễ vinh danh chính thức nhưng từ lâu hoa sen trở thành quốc hoa trong tâm khảm của người dân Việt Nam. Trên mảnh đất Hà Nội, vùng Tây Hồ lại là nơi tỏa hương thơm ngát của những vạt sen bản địa vang danh - sen bách diệp.

Từ ngày 12-16/7, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Quận Tây Hồ, Hà Nội). Lễ hội quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa Hà Nội, trong đó nêu bật giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cùng những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung. Nhiều sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật về sen chinh phục du khách.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 9Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 10Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 11
Lễ hội truyền thống là một trong những nguồn lực của Hà Nội.

Du lịch Thủ đô từng bước khai thác vẻ đẹp mùa thu Hà Nội, xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và sáng tạo. Festival Thu Hà Nội lần đầu tổ chức năm 2023, xuất phát từ ý tưởng tôn vinh hoạt động du lịch, văn hóa, di sản, thiên nhiên của Hà Nội.

Ẩm thực đặc sắc, điểm đến hấp dẫn, sản phẩm tinh túy của Hà Nội vào thu được quảng bá triệt để. Lễ hội phản ánh sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu du lịch giàu sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, sự cộng hưởng của lễ hội truyền thống, ngoại nhập và các lễ hội mới trong đời sống đương đại có ý nghĩa lớn.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 12

Du khách tham gia lễ hội không chỉ thưởng thức âm nhạc, mua sản phẩm thủ công, trải nghiệm ẩm thực. Nhu cầu tiêu dùng được kích hoạt tối đa ở lễ hội truyền thống lẫn đương đại.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nhiều lễ hội đương đại được tổ chức ở Hà Nội phản ánh những chuyển biến tích cực trong sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát triển các di sản, di tích.

“Hà Nội đã và đang khai thác khá tốt các lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy ngành du lịch và các ngành dịch vụ khác, từ đó tạo ra công ăn việc làm và tăng nguồn thu cho địa phương. Sự phát triển các lễ hội thường đi đôi với những nỗ lực trong việc đổi mới, sáng tạo nội dung và hình thức tổ chức”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Việc tổ chức các lễ hội không chỉ là bảo tồn di sản mà còn giúp xây dựng và quảng bá thương hiệu văn hóa Hà Nội. Các lễ hội đặc trưng của Hà Nội đã trở thành những biểu tượng văn hóa gắn liền với hình ảnh của thành phố trong mắt du khách quốc tế.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 13

Bằng cách tạo ra các hoạt động lễ hội phong phú, Hà Nội thực sự đã sử dụng văn hóa như một trụ cột, động lực để thúc đẩy phát triển bền vững, đảm bảo rằng các di sản, di tích được bảo tồn cho các thế hệ tương lai.

“Các lễ hội đương đại tại Hà Nội kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Những lễ hội này không chỉ khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của Thủ đô. Đồng thời, chúng tạo ra những điểm nhấn văn hóa mới, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của thành phố và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, tăng cường gắn kết xã hội và tự hào về di sản. Các lễ hội này cũng giúp Hà Nội trở thành một thành phố văn hóa hiện đại, sáng tạo và đầy năng động”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Các lễ hội âm nhạc quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và giải trí, thúc đẩy thị trường âm nhạc và sáng tạo nghệ thuật trong nước.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 14

Những đêm nhạc hàng vạn khán giả lấp đầy sân vận động Mỹ Đình.

Kể từ năm 2023, lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) đem tới hình thức tổ chức mới - mô hình lễ hội thành phố với 10 ngày âm nhạc, quy tụ gần 40 nghệ sĩ/ban nhạc trong nước và quốc tế, lan tỏa không khí lễ hội khắp Thủ đô.

Lần đầu tiên, Hà Nội có phố Hàng Nhạc, lấy cảm hứng từ tên gọi của 36 phố phường. Những đêm diễn thăng hoa của nghệ sĩ và sự ủng hộ nhiệt thành từ khán giả không chỉ làm sống lại nhiều di sản, di tích, thiết chế văn hóa của thành phố mà còn tạo thêm sức hút, điểm nhấn du lịch đối với khách quốc tế và nội địa.

Từ hiệu ứng của lễ hội âm nhạc Gió Mùa, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định hợp tác quốc tế là con đường duy nhất để nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của nghệ sĩ Việt.

“Chúng ta đều đã nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa. Để công nghiệp văn hóa phát triển và đuổi kịp những nước tiên tiến, cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia, cần chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai. Cần nhiều hơn những tiếng nói của các doanh nghiệp, các chuyên gia ngành để tư vấn, đóng góp sáng kiến và xóa bỏ đi rào cản hay ranh giới trong và ngoài nhà nước”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 15

Hà Nội đang được định vị là điểm đến an toàn, hấp dẫn trên bản đồ âm nhạc thế giới. Thành công của hai đêm diễn Born Pink tại Việt Nam vào tháng 7/2023 cho thấy sức hút cực lớn và doanh thu “khủng” từ ngành văn hóa, là bước đệm cho doanh nghiệp sản xuất, tổ chức chuỗi sự kiện văn hoá phát triển. Doanh thu của 2 đêm diễn ước đạt 335 tỷ đồng (khoảng 14,1 triệu USD). Tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Black Pink đạt khoảng 630 tỷ đồng.

Những con số ấn tượng cho thấy sự kiện Born Pink là cú hích cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. Thành công của đêm nhạc khẳng định văn hóa không chỉ dừng lại ở giải trí mà chính là động lực phát triển của nền kinh tế.

Nhìn từ dấu ấn của những lễ hội truyền thống và những lễ hội hiện đại, dễ thấy tiềm năng và dư địa phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội còn rộng mở ở phía trước.

Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh - Bài 3: Mỏ vàng từ thành phố lễ hội ảnh 16
Tin liên quan