Chúng ta lâu nay vẫn nghĩ đơn giản văn hóa là những thứ thuộc về tinh thần một cách chung chung. Nhưng thực sự không phải vậy, và cũng thể như vậy. Đến lúc phải cụ thể hóa một lĩnh vực tưởng rất phi vật thể này, ngay cả những giá trị văn hóa phi vật thể thật sự cũng cần được định lượng.
Con số kinh phí “khủng” để chấn hưng văn hóa, chính xác hơn là vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 từng khiến dư luận xôn xao. Vậy là nhiều hay ít, vẫn chưa phải vấn đề chính, mà cần chi tiết hóa, cụ thể hóa đến từng đồng vào từng mục tiêu.
Điều đó được thể hiện rõ trong báo cáo thẩm tra chủ trương trên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trước Quốc hội. Đó là cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể và số liệu đầy đủ về hiện trạng; bảo đảm rõ ràng, không trùng lắp, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình. Về giải pháp, Ủy ban đề nghị cần cụ thể hóa về nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ thực hiện đối với giải pháp hoàn thiện thể chế; xác định rõ hơn nữa các giải pháp huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của địa phương; cụ thể hóa các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa; xác định rõ một số nội dung, nhiệm vụ tập trung ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội,…
Hai năm trước, chúng ta đã triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO tại Việt Nam. Đây là bộ khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Trong đó có các chỉ số như đóng góp của văn hóa vào GDP, việc làm trong lĩnh vực văn hóa, quản trị văn hóa, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa,… Từ năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó khẳng định “các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Đồng thời lần đầu tiên cũng có một định lượng cụ thể, đó là phấn đấu đến năm 2023 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, và con số này được cho là còn thấp, cần tính lại.
Những lĩnh vực như văn hóa công vụ, văn hóa giao thông, văn hóa học đường,… cũng không chỉ hô hào, phát động suông mà luôn cần có bộ công cụ pháp lý để chế tài, giám sát, điều chỉnh và đánh giá.
Tất nhiên không thể đánh đồng những giá trị tinh thần mà văn hóa nghệ thuật đem lại với tiền. Nhưng đồng tiền đầu tư vào văn hóa tôi cho là “đồng tiền thiêng”, phải đúng nơi đúng chỗ, đúng lúc, đúng hướng, và thật sự có tầm, giúp cho giá trị tinh thần ấy thăng hoa, bay bổng và nhân văn hơn. Để rồi, bản thân những giá trị tinh thần ấy sẽ tạo ra hiệu quả vật chất một cách bền vững và nhân văn cho xã hội.