Đẩy vụ 'biệt phủ rừng Hải Vân' lên Thủ tướng là né trách nhiệm

Biệt phủ xây trái phép ở rừng Hải Vân
Biệt phủ xây trái phép ở rừng Hải Vân
TP - Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc Đà Nẵng ra văn bản cho tạm dừng tháo dỡ biệt phủ xây dựng trái phép trong rừng Hải Vân với lý do chờ ý kiến của Thủ tướng là hành động né tránh, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm mà Hiến pháp, luật pháp đã trao.

Ông Lê Như Tiến khẳng định, UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, HĐND đã ban hành nghị quyết mà UBND không chấp hành là sai. “Tôi thấy Nghị quyết đó là đúng và thực tế đã có người chấp hành, thực hiện bằng cách tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên rừng Hải Vân. Như thế không có lý do gì mà lại không tiếp tục thực hiện tháo dỡ đối với biệt phủ còn lại”, ông Tiến nêu quan điểm.

“Nếu 63 tỉnh, thành phố cái gì cũng đẩy lên xin ý kiến Thủ tướng thì đâu có được. Việc của địa phương thì địa phương phải quyết, chứ sao cứ đẩy lên Thủ tướng. Địa phương không quyết tức là chưa làm tròn trách nhiệm mà Hiến pháp, luật pháp đã trao”.

Ông Lê Như Tiến 

Phó Chủ nhiệm 

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Bình luận về việc Đà Nẵng lấy lý do tạm dừng việc phá dỡ biệt phủ để chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, ông Tiến cho rằng, có thể có những lý do tế nhị gì đó trong vụ việc này, nên UBND không muốn gây căng thẳng với HĐND.

Ngoài ra, cũng có thể UBND vì những lý do tế nhị nên muốn né tránh việc mà lẽ ra địa phương phải thực hiện, bằng cách đẩy vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. “Nếu 63 tỉnh, thành phố cái gì cũng đẩy lên xin ý kiến Thủ tướng thì đâu có được. Việc của địa phương thì địa phương phải quyết, chứ sao cứ đẩy lên Thủ tướng. Địa phương không quyết tức là chưa làm tròn trách nhiệm mà Hiến pháp, luật pháp đã trao”, ông Tiến nói. Việc Đà Nẵng đẩy vụ việc lên Thủ tướng có vẻ như địa phương đang “sợ mất lòng”, cố tình “né tránh” theo kiểu “việc này là Trung ương quyết chứ không phải là ý của địa phương”, ông Tiến nhận định.

Theo ông Tiến, việc biệt phủ chưa được tháo dỡ cũng có một phần trách nhiệm của HĐND, bởi HĐND không chỉ có thẩm quyền ban hành nghị quyết yêu cầu UBND thực hiện, mà còn có chức năng giám sát. “HĐND đã ra nghị quyết yêu cầu UBND thực hiện thì lẽ ra cũng phải thường xuyên giám sát xem các cơ quan chức năng thực hiện ra sao. Nếu thấy chưa thực hiện thì phải đôn đốc, thậm chí có thể thành lập đoàn giám sát xem quá trình thực hiện nghị quyết của HĐND ra sao, có vướng mắc gì không…? Có như thế mới làm tròn trách nhiệm là cơ quan dân cử đại diện ở địa phương”, ông Tiến nói.

Thành phố không thể bác nghị quyết của HĐND

Ông Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp, cố vấn của Chủ tịch Quốc hội, nói rằng, nghị quyết của HĐND có giá trị pháp lý rất cao; theo Hiến pháp và các luật về tổ chức, khi HĐND đã ban hành nghị quyết thì bắt buộc UBND thực hiện.

Ông Đường khẳng định, trong vụ việc xây dựng biệt phủ trái phép rừng Hải Vân, nếu HĐND Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết thì UBND thành phố phải chấp hành, thực hiện nghiêm việc tháo dỡ. Trường hợp UBND thành phố Đà Nẵng thấy rằng, không thể thực hiện được thì phải có báo cáo trình Thường trực HĐND xem xét sửa đổi hoặc dừng thực hiện. Sau đó, nếu thấy tờ trình của UBND hợp lý, thì Thường trực HĐND xem xét trình HĐND biểu quyết thông qua việc sửa đổi hoặc bãi bỏ nghị quyết.

Theo ông Đường, trường hợp UBND thành phố Đà Nẵng chưa có tờ trình chính thức về việc xem xét sửa đổi, bãi bỏ hoặc tạm dừng thực hiện Nghị quyết, đương nhiên Nghị quyết của HĐND vẫn còn nguyên giá trị pháp lý; UBND thành phố Đà Nẵng phải chấp hành, thực hiện, không được làm trái.

MỚI - NÓNG