Dạy thêm & bạo lực học đường

Dạy thêm & bạo lực học đường
TP - Vụ việc nữ sinh P. (13 tuổi), học sinh lớp 7 ở Trà Vinh, do không chịu để lớp trưởng sai vặt đã bị gần chục bạn cùng lớp đánh hội đồng dã man đang gây phẫn nộ trong dư luận.

Chắc chắn bất cứ ai, nhất là các bậc phụ huynh, khi xem clip những thiếu niên cả nam lẫn nữ trong đồng phục học sinh, khăn quàng đỏ trên vai, xông vào đấm đá túi bụi, thậm chí phang cả chồng ghế vào đầu bạn học, đều cảm thấy… sốc nặng! Lẽ nào những nam sinh, nữ sinh mặt còn “búng ra sữa”, còn đang ở độ tuổi trong trắng và thánh thiện, mà hành xử như những kẻ côn đồ thứ thiệt vậy sao? Nhiều bạn đọc thốt lên “thật khủng khiếp, con tim tôi như bị bóp nghẹn”. Thật đáng lo ngại và xót xa!

Xót xa cho trận đòn có thể nguy hiểm đến tính mạng mà P. chỉ biết ôm đầu hứng chịu. Xót xa cho cả sự dửng dưng đến vô cảm của các bạn còn lại, không một ai can ngăn hoặc gọi sự trợ giúp, chỉ đứng nhìn. Và lo ngại cho hiện tượng bạo lực mang mầm mống côn đồ đang tràn vào cả chốn học đường. Đáng lo ngại hơn, vụ việc lại do chính lớp trưởng cầm đầu và đã áp dụng với nhiều bạn khác trong một thời gian dài mà giáo viên chủ nhiệm và nhà trường không hề hay biết.

Mức độ nghiêm trọng của vụ việc đã khiến Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phải triệu tập cuộc họp với trường và lãnh đạo sở giáo dục, các lãnh đạo của Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng. Đuổi hay không đuổi học những em học sinh cầm đầu vụ việc cũng đang gây những tranh luận trái chiều. Cá nhân vị Hiệu trưởng trường học nói trên cho rằng, ít nhất em lớp trưởng và một nam học sinh sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học 1 năm để răn đe. 

Trong khi đó, một vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lại cho rằng không cần thiết phải đuổi học, vì trong độ tuổi học sinh THCS xử lý nghiêm nhưng “cần phải giữ các cháu lại để có thể tiếp tục giáo dục các cháu, giúp các cháu tiến bộ”. Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, người đáng trách nhất chính là giáo viên chủ nhiệm. Bởi theo ông Lâm, có thể giáo viên chủ nhiệm là một người năng lực kém hoặc có quan điểm sư phạm sai lầm, khi để một học sinh “đầu gấu” làm lớp trưởng.

Đúng là trong trường hợp này, người lớn đáng trách hơn trẻ em gấp bội lần! Chính thầy cô và cha mẹ học sinh có liên quan là những người phải cảm thấy day dứt nhất. Nói như TS Lâm, đó là một bằng chứng cho sự thất bại trong giáo dục đạo đức trong nhà trường, ít ra là tại chính ngôi trường này. “Tiên học lễ, hậu học văn”, phải chăng đây cũng là vụ việc điển hình để các nhà quản lý giáo dục của chúng ta phải xem lại khẩu hiệu trên đã được thực thi hiệu quả đến đâu? Phải chăng những thói hư tật xấu ngoài xã hội, trong đó có thói hành xử bạo lực, đã lan vào cả chốn học đường mà chưa có cách gì hữu hiệu ngăn cản?

Đã đến lúc không thể quá chú trọng vào việc dạy và học kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường.  Nếu chỉ mải dạy thêm, học thêm tràn lan cả ngày lẫn đêm, mà quên mất dạy và học làm người thì thật đáng lo ngại.

MỚI - NÓNG