Sau nhiều giờ hải trình trong bão tố, tàu HQ-606 đến tọa độ X nhưng không thấy nhà giàn đâu nữa, ở đó chỉ một trời gió biển đau thương.
Chống chọi trong sóng dữ
Thiếu tá Nguyễn Hữu Tôn, nguyên là chiến sĩ quân y nhà giàn Phúc Nguyên 2A sống sót trở về trong cơn bão ngày ấy xúc động kể lại: “Sau khi xuống biển, anh em đói và rét vô cùng. Ai cũng nghĩ mình sẽ phải sống và sống bằng được, nên cố bám vào phao bè, mặc cho sóng đánh tơi tả. Tôi bảo anh em, buộc tay mình vào phao bè, nếu hi sinh thì không mất xác. Trong đêm đen, chúng tôi không biết chèo đi đâu, mà cũng không còn sức để chèo nữa, chỉ biết mình cố bám vào phao và phải sống trở về đất liền. Ngay lúc cận kề cái chết, thằng Thủy còn lấy lương khô ăn với tỏi và động viên “ăn đi lấy sức mà bơi, không chết được đâu. Lúc đó anh em rất bình tĩnh”.
Sáng hôm sau, sóng vẫn dữ dội. Tầm quan sát vô cùng hạn chế. Lúc sóng dâng lên cao nhìn chỉ chừng 10 mét, lúc sóng hút sâu tất cả anh em ngập trong sóng sặc sụa. Bằng mọi giá phải sống, phải kiên cường để sống.
Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Tôn
Nhà giàn 2A đã đổ, ai sống, ai chết? Tin dữ ấy cũng làm bàng hoàng những đồng đội của họ ở Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu. Chuyện gì xảy ra với đồng đội mình trong cái đêm kinh hoàng ấy? Hai phần ba đại đội thông tin trực đêm ấy đã lặng người đi, hết ca trực đêm ấy về nhà anh em vẫn không thể nào chợp mắt được.
Sáng 13/12/1998, khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân xôn xao lạ thường. Những người vợ lính nhà giàn tìm kiếm thông tin về nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão đánh sập tối qua. Trong đó có người vợ trẻ của quân y sĩ Nguyễn Hữu Tôn- một trong 9 chiến sĩ bị bão cuốn trôi òa khóc “Không biết anh ấy có bị gì không. Em lo quá. Nếu anh ấy chẳng may hy sinh thì em sống sao được. Rồi con em nữa, nó sẽ sống thế nào”. Từ chợ Phước Thắng, chị lao về nhà, ôm hai đứa con vào lòng và khóc.
Cuộc kiếm tìm vô vọng
Thiếu tá Lê Văn Muộn nguyên là thuyền trưởng tàu HQ-606, chỉ huy biên đội tàu tìm kiếm các chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A bồi hồi kể lại: “Cơn bão ập đến. Mặc dù đã có nhiều phương án đối phó, song sức tàn phá của cơn bão quá khủng khiếp. Chúng tôi nhận lệnh chạy về Côn Đảo trú bão. Nói thật, nếu lúc đó tàu ở lại cũng sẽ bị nhấn chìm. Ngay khi nhận được lệnh quay lại tìm kiếm các chiến sĩ, tôi đã cho tàu tiến ba, tức là hết tốc độ, song cũng chỉ được 3 hải lý/giờ. Có lúc, tàu chạy mà như lùi. Chúng tôi tìm kiếm trong vô vọng. Tất cả anh em trên tàu đều khóc”.
Tại sở chỉ huy ở đất liền, ngay khi nhận tin Trạm Phúc Nguyên 2A đổ, tất cả cán bộ chiến sĩ đang gặp nạn, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã trực tiếp chỉ đạo thành lập biên đội tàu gồm: HQ-624, HQ-608, HQ-606, HQ-957 đang ở vị trí tránh bão nhanh chóng về tọa độ X và bằng mọi cách tìm kiếm cứu nạn. Biên đội tàu chia làm hai mũi thẳng hướng đã xác định. Sóng lúc này vẫn dữ dội. Những cơn sóng lừng cuộn lên từ lòng biển như nhưng quả núi liên tiếp hất tung tàu lên rồi dập xuống. Tàu HQ-606 có lượng dãn nước hơn 1.027 tấn mà cứ chồm lên ngụp xuống trong sóng xoáy và ngược gió. Đêm đó cán bộ chiến sĩ tàu HQ-606 không ai ngủ được, tất cả ra lan can quan sát tìm kiếm đồng đội. Đến gần sáng sóng giảm hơn, tầm quan sát được xa hơn.
Con tàu trở thành nhỏ bé giữa đại dương bao la
“Khi tàu chạy đến tọa độ nhà giàn Phúc Nguyên 2A, 25 cán bộ chiến sĩ chúng tôi rơi nước mắt vì nhà giàn không còn nữa. Ở đó chỉ một trời gió biển mịt mù trắng xóa và sóng dữ như muốn nuốt nốt con tàu vào lòng biển sâu. Tất cả mọi người đều khóc, không biết tìm các chiến sĩ ở đâu giữa đại dương bao la. Lúc đó tôi nghĩ các chiến sĩ đã bị sóng nhấn chìm. Nếu ai còn sống sót cũng bị sóng quật tơi tả và trôi xa ở đâu đó”, thuyền trưởng Muộn nhớ lại.
Câu chuyện kể phải đứt từng quãng, bởi ký ức tràn về tắc nghẹn. Thuyền trưởng Muộn mắt đỏ hoe chân thành “Lúc đó, ngay bản thân tôi cũng không nghĩ các chiến sĩ trên tàu mình sẽ an toàn trở về đất liền nữa. Tôi túc trực không rời ca bin tàu. Từ kinh nghiệm đi biển, tôi nhận định, có thể họ đã trôi rất xa so với tọa độ nhà giàn đóng, phải nhanh chóng tìm bằng được kẻo không còn kịp nữa. Và nhất định phải tìm bằng được, dù là xác của đồng đội. Lúc đó sóng rất lớn, không nấu được cơm, tất cả ăn mì tôm sống cầm hơi. Và cũng chẳng còn tâm trí nào ăn nữa”.
Theo kinh nghiệm và phán đoán, thuyền trưởng Muộn cho tàu quay ngang cắt mũi về hướng Tây Bắc. Mọi người căng mắt quan sát, máy radar của tàu hoạt động hết công suất. Trên mặt biển lúc này có rất nhiều mảnh vỡ của gỗ, can nhựa, thùng xốp, vì đây là vệt bão quét. Khi mọi người phát hiện phía xa có mảnh phao cứu sinh, nghĩ sẽ có anh em nhà giàn 2A đang bám vào đó, tàu chạy đến gần, nhưng vỡ òa thất vọng, bởi đó chỉ là mảnh phao bị sóng đánh tan tác. Trời ngả về chiều và tối dần, các chiến sĩ nhà giàn vẫn bặt vô âm tín. Cuộc kiếm tìm sẽ vô cùng khó khăn vì đêm tối. Và liệu anh em nhà 2A có đủ sức chịu đựng để qua nổi sóng gió lạnh buốt thấu xương đêm nay không? Mặt trời khuất dần và những tia hi vọng cũng tắt dần theo thời gian.
Nước mắt nhòa trong sóng quê hương
Bỗng trắc thủ radar báo cáo phát hiện từ xa có một vật nổi trên biển hướng tàu đang đi tới. Khi cách vật nổi ấy chừng 500 mét, chiến sĩ quan sát hô to: “Kia rồi, họ kia rồi các đồng chí ơi”.
Lúc này 6 anh em trên chiếc phao bè mệt lả, quần áo rách tả tơi, da nhợt nhạt do sóng quần và ngâm lâu trong nước mặn. Thuyền trưởng Muộn chỉ huy thủy thủ trên tàu quăng phao tròn, tiếp sức từng người một, tất cả an toàn. Sau khi lên tàu, các anh được chăm sóc sức khỏe, tắm rửa. Tàu nấu cháo cho các anh ăn lấy lại sức. Lúc đó là 18 giờ 30 phút ngày 13/12/1998.
Tốp 1 đã được cứu vớt, lệnh Sở chỉ huy biên đội tiếp tục tìm kiếm tốp 2. Nhưng hết ngày thứ 2, ngày thứ 3 và những ngày tiếp theo vẫn không tìm thấy những người còn lại. Việc tìm kiếm tiếp tục bằng con đường ngoại giao, báo với các nước bạn vùng lân cận về những người bị mất tích thông qua đại sứ quán. 6 tháng sau, không có sự trả lời của nước bạn về tin tức của các anh, vậy là đã rõ: Các anh đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại biển xanh.
“Khi vớt được 6 cán bộ chiến sĩ đang trôi dạt chúng tôi mừng lắm, và vẫn hi vọng 3 người còn lại đang ở đâu đó. Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục sau đó, song càng tìm càng thất vọng. 25 cán bộ chiến sĩ tàu chúng tôi bần thần. Những chiến sĩ trẻ lúc đó khóc vì thương đồng đội. Tôi nghĩ về cái giá của lính biển”, thuyền trưởng Lê Văn Muộn nói.
Đại úy Vũ Quang Chương quê ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy Thái Bình hy sinh tuổi chớm 30, anh chưa kịp yêu một người con gái. Ở quê hương, anh còn bố mẹ già, người em trai bị tâm thần và người em gái mong anh lấy vợ để ông bà có cháu nội bế bồng. Anh đã làm tròn sứ mệnh của mình với Tổ quốc, tròn bổn phận của một người con với bố mẹ, chỉ tiếc rằng anh chưa cho bố mẹ anh một nàng dâu hiền thảo và sinh con để nối dõi tông đường.
Còn Nguyễn Văn An, tạm biệt quê hương Yên Mật, Kim Sơn, Ninh Bình khi đi làm nhiệm vụ, vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng. Chị nói với anh “Em chờ anh về để anh đặt tên cho con”. Không ngờ đó là lời chia tay. Cái ngày đoàn tụ vui mừng ấy chưa kịp đến thì anh đã hy sinh. Trước một tuần anh mãi về với biển, nhận được thư vợ sinh con trai anh mừng lắm. Tuy chưa được nhìn mặt con nhưng anh tin nó sẽ rất giống anh về lòng dũng cảm.
Lê Đức Hồng, chàng thanh niên trẻ ra đi từ quê hương Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh chưa một lần yêu, anh ngã vào lòng biển khi mới 21 tuổi. Ở quê nhà anh còn bố mẹ già và em nhỏ luôn chờ anh hoàn thành nghĩa vụ trở về.
(Còn nữa)_________
Ít ai biết liệt sỹ đại úy Vũ Quang Chương, người đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng trước khi ngã vào biển khơi đã để lại một lá thư đầy niềm tâm sự cho người em gái. Lá thư ấy giờ là kỷ vật thiêng liêng của gia đình.