Dấu ấn của ông Kim Jong Un trong thập kỷ lãnh đạo Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
Một cửa hàng TV ở Hàn Quốc mở chương trình nói về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Một cửa hàng TV ở Hàn Quốc mở chương trình nói về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018. (Ảnh: Reuters)
TPO - Trong 10 năm ông Kim Jong Un cầm quyền, Triều Tiên sở hữu nhiều vũ khí lợi hại hơn, nhưng cũng bị cô lập hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, dù nhà lãnh đạo trẻ đã có nhiều động thái mang đến hy vọng về chuyển đổi kinh tế hoặc mở cửa quốc tế.

Nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân định hình 10 năm cầm quyền của ông Kim, nhưng các nhà phân tích nói rằng con đường này khiến ông càng bị cô lập và có lẽ đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có.

Số vũ khí đó có thể cản trở những đột phá chính trị cần thiết để cải thiện nền kinh tế nghèo nàn và giúp hàng triệu người dân bớt đói nghèo, khi tình trạng phong toả để chống đại dịch COVID-19 và các biện pháp trừng phạt quốc tế khiến ông Kim càng phải phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Kim được đánh giá là người có làm khác với phong cách đặc trưng của cha ông, thông qua nỗ lực “bình thường hoá” Triều Tiên bằng việc thể chế hoá và phân quyền nhiều hơn. Ông được quốc tế chú ý với nhiều thành công đáng nể trong phát triển vũ khí và các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo nước ngoài. Ông cũng thể hiện mong muốn cải thiện cuộc sống thường ngày của người dân.

Có lúc những điều đó tạo kỳ vọng vào cải cách kinh tế hoặc thay đổi quan hệ với đối thủ lâu đời như Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, ông Kim sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn xem liệu có đổi số vũ khí của mình lấy việc được nới lỏng trừng phạt, hay phải tìm cách khác để vực dậy nền kinh tế, bằng cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc hay mở cửa hơn nữa cho các hoạt động kinh tế và xã hội mà không mất kiểm soát chính trị.

“Các biện pháp trừng phạt đặt ra giới hạn cho những việc ông ấy có thể làm về kinh tế, nhưng không có nghĩa là ông ấy không thể giúp cuộc sống của người dân thoải mái hơn bây giờ”, ông Robert Carlin, một cựu đặc vụ CIA và hiện đang làm việc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.

Sau những tổn thất vì đại dịch, ông Kim có thể nghe thấy nhiều kêu gọi từ giới tinh hoa về việc mở cửa có kiểm soát, nhưng ông Kim vẫn đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết trong nỗ lực xoay chuyển tình hình quốc tế theo hướng có lợi cho Triều Tiên, ông Carlin đánh giá.

Vũ khí đổi trừng phạt

Dưới sự lãnh đạo của ông Kim, Triều Tiên thực hiện 6 vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó có vẻ gồm loại bom hydro đầu tiên, và phát triển hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn vươn tới Mỹ.

Với ông Kim, kho vũ khí đó là “thanh gươm báu” sẽ bảo vệ Triều Tiên và vị trí của ông trước các mối đe doạ bên ngoài, đưa nước này lên ngang hàng với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác.

Nhưng điều đó cũng đưa Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh với Mỹ vào năm 2017, khiến ngay cả những đối tác như Trung Quốc và Nga cũng thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc tại Liên Hợp quốc.

Nỗ lực nhằm thuyết phục Mỹ nới lỏng trừng phạt và tiến tới bước đột phá trong quan hệ với Washington dẫn đến hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore và Hà Nội, nhưng đàm phán lại rơi vào bế tắc vì Mỹ nhất quyết đòi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi được nới lỏng trừng phạt.

Ông Kim có thể sẽ tiếp tục “chơi rắn” trong ngoại giao hạt nhân vì cách này giúp ông tăng vị thế chính trị và quyền mặc cả trong đàm phán và trong cả giai đoạn bế tắc, bà Duyeon Kim, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.

“Ông ấy có thể tiếp tục xây dựng hình ảnh bình thường, hiện đại và tiến bộ của cá nhân và đất nước trong tất cả các lĩnh vực, nhất là hạt nhân và kinh tế, thậm chí cả đối ngoại, sau khi đại dịch suy giảm”, bà nói.

Sau khi để quan hệ Trung – Triều rơi xuống mức thấp lịch sử vì ưu tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, ông Kim đã nhanh chóng sửa chữa quan hệ này, ông Zhao Tong, một chuyên gia về an ninh chiến lược ở Bắc Kinh, đánh giá.

Trung Quốc hiện chiếm phần lớn thương mại quốc tế còn hạn chế của Triều Tiên, và hai chính phủ hiện nay đều chia sẻ mục tiêu thúc đẩy tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chống ảnh hưởng của phương Tây, ông Zhao cho biết.

“Dù ông Kim muốn đa dạng hoá quan hệ đối tác quốc tế nhưng ông ấy có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ Trung Quốc và một số ít quốc gia khác”, ông Zhao nói.

Siết kiểm soát

Trong những năm đầu, ông Kim có vẻ đã thử nghiệm cải cách kinh tế để có thêm thu nhập cho đất nước. “Nhưng có vẻ những rủi ro và phản đối trở nên quá lớn nên ông ấy đã quay lại”, ông Carlin nói.

Điều tra viên của Liên Hợp Quốc cảnh báo dân số Triều Tiên đứng trước nguy cơ rơi vào nạn đói nếu tình hình kinh tế và lương thực không được cải thiện.

Đại dịch dẫn đến việc chính phủ thắt chặt kiểm soát hoạt động kinh tế hơn, khiến cả thị trường đen và các hoạt động kinh doanh chính thức bị thu hẹp.

Thập kỷ lãnh đạo của ông Kim còn chứng kiến sự phổ biến của những công nghệ mới như điện thoại di động ở Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng Bình Nhưỡng cũng có biện pháp công nghệ cao hơn để giám sát người dân và ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.