Đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái). Ảnh: Guardian
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái). Ảnh: Guardian
TP - Sau 18 ngày đàm phán căng thẳng, Iran và 6 cường quốc thế giới hôm qua đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử, kết thúc hơn một thập kỷ bế tắc và tạo nên khả năng thay đổi Trung Đông, trong khi Israel gọi đây là “sự đầu hàng lịch sử”.

Theo thỏa thuận này, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc sẽ được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế lâu dài chương trình hạt nhân bị phương Tây coi là nhằm chế tạo bom hạt nhân. “Đây là thời khắc lịch sử”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói với báo giới trước khi tham dự phiên đàm phán cuối cùng vào sáng qua. “Chúng tôi sắp đạt được một thỏa thuận không hoàn hảo với mọi người, nhưng đó là điều chúng tôi có thể thực hiện, và đó là thành tựu quan trọng cho tất cả chúng tôi”, ông Zarif nói.

Việc đạt được thỏa thuận này được coi là chiến thắng chính sách lớn đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani - nhà lãnh đạo theo đường lối thực dụng với lời hứa sẽ giúp đất nước 77 triệu dân bớt bị cô lập ngoại giao sau khi trúng cử hai năm trước. Cả hai nhà lãnh đạo này đều phải đối mặt những ngờ vực không nhỏ tại đất nước họ sau nhiều thập kỷ thù hận và thường gọi nhau là “quỷ Satan”, thành viên của “trục ma quỷ”. Mỹ và Iran là hai bên đàm phán chính. Tham gia đàm phán còn có bốn thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga.

Hãng thông tấn Iran IRNA đưa tin, thỏa thuận sẽ giúp giải phóng hơn 100 tỷ USD trong các quỹ của nước này đang bị phong tỏa, và những biện pháp cấm vận ngân hàng trung ương, công ty dầu khí quốc gia, hãng hàng không và hàng hải sẽ được dỡ bỏ. Đối với Iran, việc chấm dứt trừng phạt có thể nhanh chóng giúp kinh tế bùng nổ nhờ xuất khẩu dầu, qua đó giá dầu thế giới cũng có triển vọng giảm khi lượng cung được bổ sung bằng dầu từ Iran. Giá dầu hôm qua giảm hơn 1 USD/thùng sau khi thỏa thuận đạt được.

Những cuộc thương lượng cuối cùng tại Áo diễn ra trong gần ba tuần, với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Đây là đợt đối thoại chưa từng có tiền lệ giữa những quốc gia coi nhau là kẻ thù từ khi các tay súng cách mạng Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran năm 1979 và bắt giữ 52 người làm con tin. Theo các nhà phân tích, đối với Tổng thống Obama, nỗ lực ngoại giao với Iran cũng giống như việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Cuba nhằm tạo nên những dấu ấn khác biệt so với những người tiền nhiệm.

Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận hạt nhân với Iran, và nếu họ không đồng ý thông qua, ông Obama có thể dùng quyền phủ quyết để bác bỏ. Cần phải có 2/3 số nhà làm luật đồng thuận để bác bỏ quyền phủ quyết đó, nghĩa là khi đó một số đảng viên Dân chủ của ông Obama cũng ngả theo phe kia để chống lại thỏa thuận.

Cho đến tận tuần trước, sự căm ghét của Iran đối với Mỹ vẫn còn được thể hiện nhân dịp tháng ăn chay Ramadan kết thúc, với những đám đông xuống đường hô vang khẩu hiệu: “Khai tử Israel”, “Khai tử Mỹ”. Thỏa thuận trên cũng được Trung Quốc và Nga, ủng hộ, trong bối cảnh Mátxcơva đang muốn mở rộng hợp tác quân sự và bán vũ khí cho Tehran, trong đó có thỏa thuận bán hệ thống phòng không S-300 tân tiến bị trì hoãn từ lâu.

Israel tuyên bố tìm mọi cách ngăn cản

Iran sẽ vẫn giữ quyền làm giàu một lượng uranium ở mức mà phương Tây cho rằng không đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt sẽ được khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm cam kết. Lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc sẽ được duy trì trong 5  năm và lệnh cấm mua công nghệ tên lửa có hiệu lực trong 8 năm.

Bên cạnh thỏa thuận nói trên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo một thỏa thuận với Iran về lộ trình giải quyết các vấn đề còn tồn tại đến cuối năm nay. Thỏa thuận chính với các cường quốc phụ thuộc vào việc IAEA có thể giám sát các địa điểm hạt nhân của Iran và Iran có thể trả lời những câu hỏi của cơ quan này về mục đích quân sự của các nghiên cứu trước đây hay không.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận này là “lỗi lầm tồi tệ”. “Iran sẽ vớ bở, kiếm được hàng trăm tỷ đô la Mỹ để có thể theo đuổi việc xâm lược và khủng bố ở khu vực và trên thế giới”, ông Netanyahu nói, và cho rằng Iran sẽ “đi trên con đường được đảm bảo để tiến tới chế tạo vũ khí hạt nhân”. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely gọi thỏa thuận này là “sự đầu hàng mang tính lịch sử”. Bà Hotovely viết trên Twitter rằng, Israel sẽ “hành động với mọi phương tiện để ngăn chặn thỏa thuận này được phê chuẩn”. Theo giới quan sát, Israel sẽ tìm cách tác động Quốc hội Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nhưng cũng có lý do mạnh mẽ để Mỹ cải thiện quan hệ với Iran vì cả hai nước đang đối diện kẻ thù chung là lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Lãnh đạo Iran cho rằng, chính sách cấm vận cần phải kết thúc vì lực lượng của họ đang chiến đấu chống lại những mối đe dọa khu vực, như IS.

Mỹ thúc đẩy đàm phán với Iran từ năm 2008, và quan chức hai nước gặp nhau bí mật bốn năm sau đó tại Oman để xem tiến trình ngoại giao có khả thi hay không. Nhưng tiến trình này bế tắc cho đến mùa hè năm 2013, khi ông Hassan Rouhani trúng cử tổng thống và tuyên bố Iran sẵn sàng cho một sự thỏa hiệp nghiêm túc.

MỚI - NÓNG