Đất nước đứng yên

Đất nước đứng yên
TP - Ở Việt Nam mỗi năm có bao nhiêu ngày nghỉ lễ tôi đều nhớ cả, vì không phải đi làm. Chuyển sang Bỉ sống, bộ nhớ của tôi lưu thêm dịp “lễ” đặc biệt nữa - Ngày đình công toàn quốc, tôi gọi là Ngày đất nước đứng yên.

Chuẩn bị Ngày đình công toàn quốc năm nay, nhà trường gửi giấy cho phụ huynh từ 8/12: Chúng tôi hưởng ứng lời kêu gọi của liên đoàn lao động, không dạy học ngày 15/12. Gia đình nào neo người nên đăng ký sớm với dịch vụ trông trẻ khẩn cấp, hoạt động từ 8h15 đến 15h45 cùng ngày. Tuy nhiên dịch vụ này tiếp nhận số lượng trẻ có giới hạn. Hi vọng phụ huynh thông cảm.

Đồng loạt đình công phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu, tăng tuổi về hưu của chính phủ. Nhưng không phải trường học nào cũng đóng cửa. Trường học của các con tôi thuộc quản lý địa phương nên tham gia đình công. Bạn tôi dạy trường quốc tế vẫn đi làm bình thường. Còn một người bạn khác, giáo viên trường mầm non và tiểu học tại Brussels bắt buộc phải ngồi nhà dù không muốn đình công. Nguyên do trường này của Bộ Giáo dục, tức là thuộc chính phủ, “con” không nên phản đối “cha” lúc này, hiệu trưởng kêu gọi giáo viên đi làm ngày 15/12.

Khổ nỗi phương tiện giao thông đình trệ cả, lái xe vào trường cũng bị người đình công chặn, ném bánh xe cản lối. Hiệu phó có sáng kiến thuê khách sạn nội thành cho anh em ngủ để sáng 15/12 quyết dạy đến cùng. Hiệu trưởng gạt đi “thu nhập một ngày mở cửa trường chẳng đủ chi phí khách sạn một đêm. Thôi, cho anh em nghỉ”. Bạn tôi vốn gốc Việt gợi ý “Hay tối Chủ nhật mang chăn chiếu vào ngủ ở trường? Tôi tình nguyện nấu phở phục vụ ăn đêm ăn sáng”. Chẳng ai nghe. Ngủ ngon vẫn hơn ăn ngon chứ, đang đông lạnh thế này. Riêng chồng cô bạn này, viên chức nhà nước, sáng 15/12 xách xe đạp đi làm, mẫn cán có thừa.

Sức mạnh công đoàn là điều ai cũng thấy rõ ở các nước châu Âu. Giới chủ không thể không nể sợ công đoàn, trừ chính phủ cho đến giờ vẫn mặt lạnh như băng. Tiền vốn vay ngân hàng tính lãi hàng ngày chứ có miễn trừ vì nhà máy đình trệ sản xuất do đình công đâu mà các ông chủ chẳng sợ. Anh bạn gốc Việt là chủ một cửa hàng thực phẩm ở Antwerp kể với tôi cả năm nay khổ sở hầu toà, tốn bao tiền thuê luật sư chỉ vì một nhân viên có sự “tiếp tay” bảo vệ nhiệt tình của công đoàn đã đứng lên kiện “cửa hàng không có máy giặt quần áo lao động trong ngày cho nhân viên”.

Phải làm việc đến 67 tuổi mới được lĩnh lương hưu. Tuổi đó có khi cũng đến cõi rồi còn gì. Nghĩ mà sợ, làm đến chết mới được hưu, đình công phải lắm. Quyền được đình công đã rõ, còn quyền được đi làm trong thời buổi suy thoái kinh tế và thất nghiệp tràn lan thì sao? Máy bay không cất cánh, siêu thị không bán hàng, máy móc ngừng sản xuất, bệnh viện hoãn những ca chữa trị không khẩn cấp..., đình công làm khủng hoảng kinh tế càng trầm trọng. Bart Buysse - đại diện cho Liên đoàn giới chủ phẫn nộ “Có quyền đình công nhưng không có nghĩa được làm bất cứ điều gì mình muốn. Chặn đường xe lửa, chắn đường cao tốc... là bất hợp pháp”. Kệ, một tài xế xe du lịch vừa đánh tay lái ra đường bị ngay mấy người đình công tựa lưng vào mũi xe ủn trở lại.

Trong một ngày đất nước gần như đứng yên ấy, vẫn có những mạch chuyển động ngầm: chồng tôi cùng đồng nghiệp đi làm nửa ngày sau đó mời ông chủ đi ăn tất niên luôn thể cho đỡ căng thẳng. Cũng phải có người làm việc chứ. Hôm ấy, anh bạn Joseph làm việc ở nhà máy xử lý chất thải phải dậy từ 3 giờ sáng lái xe đi trước khi người đình công chặn đường. Rồi đợi tối khuya đám đình công rút mới dám về nhà, mệt mỏi rã rời. Lỗi của chính phủ nhưng phải chịu khổ vẫn là dân.

Hollywood từng làm phim Ngày trái đất ngừng quay (The day the earth stood still) có tài tử Keanu Reeves đóng. Thảm họa ở chỗ trái đất ngừng quay cũng là lúc mọi thứ văng ra, tan nát, đổ vỡ. Còn ngày đất nước đứng yên, tổn thất kinh tế rồi sẽ tính được, may ở chỗ thiên nhiên vẫn chuyển động. Và khi con người đứng yên mới nhận thấy sự chuyển động của lũ ngỗng diễu hành trong hội chợ Giáng sinh thật duyên dáng, đẹp đẽ biết nhường nào.

MỚI - NÓNG