Cùng mang nặng đẻ đau
Lên đảo Sơn Ca trong chiều hè rực nắng, tôi đến thăm khu bệnh xá là dãy nhà cấp 4 tĩnh lặng có những ô cửa hướng ra biển. Thứ cuốn hút tôi ngay từ đầu là cuốn lịch bàn còn mới cứng có in ảnh cưới đặt ở góc cá nhân trong phòng y bác sỹ. Ảnh trong lịch, chú rể và cô dâu đều rạng rỡ, nhiều kiểu tạo dáng tương ứng với trang phục khác nhau, nhưng không phải là gương mặt của tài tử, diễn viên như nhiều cuốn lịch thường thấy nơi đất liền. “Đó là ảnh cưới của vợ chồng mình do bạn bè chụp, rồi làm thành lịch tặng trước khi ra đảo công tác”, trung úy quân y Nguyễn Thế Lưu giới thiệu khi thấy khách chầm chậm giở từng trang.
“Tôi ở ngoài đảo đếm từng ngày chờ vợ lâm bồn. Cháu ra đời mà không có bố bên cạnh là sự thiệt thòi cho cả hai mẹ con. Nhưng biết làm sao được, công tác của tôi đâu phải cứ muốn về đất liền là về”.Trung úy quân y Nguyễn Thế Lưu
Ngồi hỏi chuyện chủ nhân cuốn lịch bàn đặc biệt đó, tôi mới hay, anh Lưu (SN 1988) là bác sỹ thuộc biên chế Viện Quân y 110 ở Bắc Ninh được tăng cường về Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, ra đảo Sơn Ca (thuộc huyện đảo Trường Sa) làm bệnh xá trưởng từ đầu năm 2016. Vợ làm kế toán. Hai vợ chồng cưới nhau được hai tháng thì anh Lưu xuống tàu vượt sóng ra Sơn Ca. “Việc tôi ra đảo công tác, vợ chồng phải xa nhau một thời gian, được cả hai xác định tâm lý từ hồi mới yêu nhau nên bớt sốc. Vợ còn động viên tôi yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc nhà đã có em lo”, anh Lưu tâm sự.
Bác sỹ trung úy Nguyễn Thế Lưu đếm từng ngày chờ chào đón con gái chào đời. Ảnh: Xuân Tùng
Tiếp nối mạch chuyện về gia đình, anh cho biết vợ đang mang thai tháng thứ 8. Từ ngày biết tin sắp được làm bố, cuốn lịch bàn in ảnh hai vợ chồng đối với anh không chỉ để nhớ vợ mà còn đếm từng ngày chờ lúc “vượt cạn” mẹ tròn con vuông. “Tôi ở ngoài đảo đếm từng ngày chờ vợ lâm bồn. Cháu ra đời mà không có bố bên cạnh là sự thiệt thòi cho cả hai mẹ con. Nhưng biết làm sao được, công tác của tôi đâu phải cứ muốn về đất liền là về”, giọng anh đượm chút bùi ngùi.
Cách nhau trập trùng sóng nước là thế, nhưng qua sóng điện thoại Viettel, từ đảo xa, bác sỹ trẻ vẫn thường xuyên gọi về đất liền động viên, hỏi han và tư vấn vợ cách dưỡng thai, thủ thuật cho việc sinh nở được thuận lợi, cách chăm sóc trẻ sơ sinh. “Lĩnh vực tôi công tác được trang bị kiến thức chuyên môn sản khoa và từng trực tiếp tham gia đỡ đẻ nên có kinh nghiệm để hướng dẫn, tư vấn cho vợ. Vợ chồng thống nhất sẽ đặt tên cho con gái là Nguyễn Ngọc An Khanh”, anh cười rạng ngời hạnh phúc.
Nhìn nụ cười của vị bác sỹ trẻ sắp làm bố, tôi chợt nhớ tới bác sỹ quân y trẻ Vũ Đức Trung (quê Hưng Yên) đang công tác tại đảo chìm Đá Lát mới được lên chức bố cũng gặp đợt này. Trong tiếng dạt dào sóng vỗ chân đảo chìm, anh Trung cho hay cũng ra đảo Đá Lát công tác từ đầu năm 2016, vào tháng cuối cùng bà xã chuẩn bị sinh. Nhắc đến con gái hơn ba tháng tuổi, anh vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi kể lúc nhận được điện báo ở đất liền vợ sắp chuyển dạ, rồi vỡ òa hạnh phúc nghe tiếng con oe oe qua điện thoại. Rồi tin làm bố của anh Trung nhanh chóng trở thành niềm vui chung của cán bộ, chiến sỹ cả đảo nhỏ. “Chờ cháu được một năm tuổi là tôi sẽ về đất liền thăm, còn bây giờ cháu mới ba, bốn tháng tuổi. Qua điện thoại cũng chỉ nghe cháu ê a, nhưng thấy mãn nguyện, hạnh phúc lắm”, anh Trung nói.
Đến Trường Sa Lớn, tôi còn gặp bé Thái Bình Hải Thùy - công dân nhỏ tuổi nhất đảo vừa tròn 5 tháng tuổi với ánh mắt trong veo và nụ cười hồn nhiên trong vòng tay mẹ - chị Nguyễn Bình Phương Ái. Hải Thùy là bé thứ hai chào đời bằng phương pháp đẻ mổ trực tuyến kết nối giữa Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn và Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM). Trực tiếp mổ là 9 y, bác sỹ Bệnh viện 175 do Đại tá, Tiến sỹ Trần Lê Đồng - Phó Giám đốc Bệnh viện 175 làm trưởng đoàn được máy bay đưa tới đảo Trường Sa Lớn. Nơi đất liền, qua hệ thống truyền hình trực tiếp, ca mổ có sự theo dõi chỉ đạo của Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175... Đặc biệt, chị Ái được “gặp”, nghe lời động viên của mẹ - bà Nguyễn Thị Như Mai. Còn bà Mai được thấy cháu ngoại mình từ cách xa nghìn trùng sóng nước. Cô bé sinh ra, khỏe mạnh lớn lên từng ngày là “điều kỳ diệu” không chỉ riêng gia đình chị Ái mà còn của cả Trường Sa và đất liền. Cùng với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa Lớn, bé Hải Thùy luôn nhận được sự quan tâm, đùm bọc từ đồng bào đất liền qua những chuyến tàu ra thăm…
Quà cho con của lính đảo
Từ nơi đầu sóng của Tổ quốc, những ông bố trẻ như bác sỹ Lưu, bác sỹ Trung đang từng ngày chuẩn bị món quà đặc biệt cho con gái nhỏ. Không phải là chiếc vòng kết lại từ những con ốc biển, nhánh san hô hay ốc khổng lồ mang giai điệu lời ru của biển cả… mà là gom góp, chắt chiu những câu chuyện nhỏ ngày thường về trải nghiệm cuộc sống, công tác ở Trường Sa; sự can trường và hy sinh của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong việc xây dựng và giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc dành để thủ thỉ, tâm sự khi về gặp con. “Từ những trải nghiệm cuộc sống, công tác thực tế ngoài biển đảo, mình sẽ kể thay những lời ru để con dần thấm, trân trọng sự hy sinh của thế hệ cha anh; để biết yêu thương, chia sẻ trong cuộc sống; đồng thời tạo tình yêu mến biển đảo”, anh Lưu nói.
Cuốn lịch in ảnh cưới vợ chồng bác sỹ trung úy Nguyễn Thế Lưu. Ảnh: Xuân Tùng
Càng yêu gia đình, thương vợ ở đất liền sắp “vượt cạn” và chuẩn bị món quà ý nghĩa cho con gái, những người lính trên đảo càng phải phấn đấu công tác tốt. “Việc của tôi là chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo và ngư dân đang đánh bắt hải sản trong khu vực. Dù ở ngoài này, trang thiết bị ngành y còn thiếu thốn nhưng bằng kinh nghiệm những năm công tác ở khoa ngoại Viện quân y 110, mình đã chuẩn bị khá đầy đủ về kiến thức và năng lực để đối phó với các ca bệnh ở ngoài này”, bác sĩ Lưu nói.
Theo anh Lưu, ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa chủ yếu bị bệnh viêm dạ dày, hô hấp, do lặn sâu - hội chứng giảm áp. Mới đây, bệnh xá cấp cứu thành công trường hợp ngư dân Đinh Công Thế (28 tuổi, quê Bình Định) bị hội chứng giảm áp do lặn sâu khi đánh bắt hải sản. “Khi đưa vào bệnh xá, bệnh nhân trong tình trạng hai chân bị liệt, bí tiểu, cơ thể đau nhức. Sau hai ngày điều trị thuốc và thủy châm, bệnh nhân đã đi lại bình thường và hoàn toàn hồi phục trong quá trình theo tàu đánh cá vào bờ”, bác sỹ Lưu kể.
Qua những ca cấp cứu, điều trị thành công, bác sỹ Lưu cùng đồng đội phát huy thành tích phòng bệnh và chữa bệnh cứu người của Bệnh xá đảo Sơn Ca. Chỉ riêng trong năm 2015 và quý I năm 2016, bệnh xá đã điều trị hơn 100 trường hợp, trong đó cấp cứu 6 trường hợp, 1 ca mổ ruột thừa, 2 ca điều trị hội chứng giảm áp. Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bác sỹ Lưu còn tích cực tham gia các hoạt động chung của cán bộ, chiến sỹ trên đảo như tăng gia sản xuất, thể thao văn nghệ…