Cụ thể, chương trình đào tạo trình độ cao đẳng theo hướng ứng dụng; trình độ đại học, thạc sĩ theo hướng nghiên cứu và ứng dụng nghề nghiệp; tiến sĩ theo hướng nghiên cứu.
Đào tạo trình độ thạc sĩ thực hiện chương trình theo hướng ứng dụng, được tổ chức đào tạo tập trung toàn bộ thời gian hoặc không toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học.
Đào tạo trình độ tiến sĩ thực hiện chương trình theo hướng nghiên cứu, được thực hiện tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học.
Dự thảo nêu rõ: Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu cấp văn bằng của Việt Nam hoặc theo quy định của pháp luật nước ngoài nếu cấp văn bằng của nước ngoài.
Văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được thực hiện theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Về chính sách với giảng viên, Dự thảo quy định nhà nước có chính sách ưu tiên đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Giảng viên được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư được xếp hạng một chức danh nghề nghiệp. Giảng viên được bổ nhiệm chức danh giáo sư được hạng chuyên gia cao cấp.
Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vận dụng quy định hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách khác đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập để thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và đảm bảo không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác.
Ngoài ra, dư thảo quy định rõ đối tượng không phải đóng học phí: sinh viên các ngành sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm; sinh viên ngành năng lượng hạt nhân, văn hóa dân gian và theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh do Thủ tướng Chính phủ xác định phù hợp với từng giai đoạn.