Nói tới Đào Minh Tri, với những người trong giới hội họa ai cũng biết tới tên ông. Sinh năm 1950 tại Hà Nội, hoạ sĩ Đào Minh Tri tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1976 nhưng ngày từ giữa những năm thuộc thập niên 70 thế kỷ trước, họa sĩ Đào Minh Tri đã có những tác phẩm sơn mài ấn tượng. Sớm mày mò tìm hiểu về hội họa hiện đại và những danh họa thế giới, ông đã đưa những kiến thức đã tìm hiểu vào với các tác phẩm của mình và tổ chức được nhiều triển lãm gây xôn xao dư luận.
Hoạ sĩ Đào Minh Tri. |
Hoạ sĩ Ca Lê Thắng - đồng nghiệp cùng thời với Đào Minh Tri nhận xét: “Các tác phẩm của ông chứa đựng nhiều suy tư về cuộc sống, cảm nhận về con người và xã hội. Đó là những trang nhật ký thật sống động của một tâm hồn nhạy cảm”.
Còn họa sĩ Lý Trực Sơn lại cho rằng: “5 năm đại học của ông cũng là 5 năm có những đóng góp to lớn cho việc thay đổi tư duy nghệ thuật, tác động tích cực đến mô hình đào tạo của nhà trường, bắt đầu khuyến khích xu hướng phát triển phong cách riêng của từng sinh viên”.
Đông đảo đồng nghiệp, người quen tới chúc mừng họa sĩ Đào Minh Tri. |
Sau khi tốt nghiệp Đại học, họa sĩ Đào Minh Tri đã chuyển vào Nam, giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật TPHCM đồng thời tham gia Hội Mỹ thuật TPHCM với vai trò Phó Tổng thư ký. Tại mảnh đất này, Đào Minh Tri tiếp tục tìm tòi, sáng tạo phong cách mới đồng thời truyền thụ, khuyến khích sinh viên thể hiện cá tính riêng trong sáng tác. Từ đầu thập kỷ 1990, Đào Minh Tri tham gia nhóm “10 người và triển lãm Tác phẩm mới” tại TPHCM, góp phần tạo ra diện mạo mở rộng đầy sinh lực của “mỹ thuật Việt Nam đổi mới”.
Một bức tranh sơn mài của họa sĩ Đào Minh Tri. |
"Đến khi bạo bệnh phải ngồi xe lăn năm 2007, Đào Minh Tri vẫn hăng say sáng tác, ra triển lãm cá nhân My Fish chỉ sau 4 tháng hồi phục, và hiện tại vẫn tiếp tục. Với nhiều thế hệ đàn em, Đào Minh Tri không chỉ là họa sĩ kỳ tài, một bậc thầy với tiếng nói nghệ thuật khác biệt, mà còn là một trong những người tiên phong góp phần xoay chuyển ý thức thẩm mỹ và những đổi mới cho nền mĩ thuật Việt Nam. Cả cuộc đời ông là tấm gương cho các thế hệ họa sĩ noi theo" - nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ tại triển lãm.
Tranh lụa của Đào Minh Tri. |
Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại cho rằng cùng với một thế hệ họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam như Thành Chương, Ca Lê Thắng, Lý Trực Sơn… Đào Minh Tri đã làm cuộc lội ngược dòng về tư duy sáng tạo và mục đích thẩm mỹ. Dù bận giảng dạy và công tác quản lý, dù bị tai biến phải ngồi xe lăn nhưng sức làm việc của ông thật đáng nể, đặc biệt với chất liệu sơn mài.
Ông đã tham gia hơn 30 triển lãm nhóm tại nhiều nước, năm 1992 thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên tại Paris, Pháp. Năm 2004, ông thực hiện triển lãm cá nhân về sơn mài tại TPHCM, thành công vang dội và gây ấn tượng về nghệ thuật sáng tạo.
“Cùng những nét ngẫu hứng trên giấy và buông nhẹ mực tàu trên mặt lụa trong, tranh sơn mài của họa sĩ Đào Minh Tri có sức quyến rũ thầm lặng và luôn mới mẻ với các thế hệ đến sau. Ông để ngỏ mọi cửa vào, lối ra, nơi bức họa, như một thách thức vừa ngạo nghễ, vừa dịu dàng” - hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Đang phải ngồi xe lăn nhưng Đào Minh Tri vẫn cố gắng đứng lên cảm ơn mọi người. |
Triển lãm cá nhân của họa sĩ Đào Minh Tri với chủ đề “Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa” sẽ kéo dài đến hết ngày 28/3.
Chùm ảnh các tác phẩm của họa sĩ Đào Minh Tri tại triển lãm “Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa”