Chân dung và khỏa thân

Chân dung và khỏa thân
Cuối năm 2007, phòng tranh khai mạc tối 26-12 tại 218A Pasteur, quận 3 với chủ đề “Chân dung và khỏa thân” đã gây được sự chú ý của công chúng mỹ thuật thành phố.

Khỏa thân có là đề tài “nhạy cảm”?

Tranh khỏa thân (nude) luôn là một trong phần cơ bản của các họa sĩ khi bắt đầu cầm cọ và được truyền thụ, được vẽ thực hành khá bài bản ở một trường mỹ thuật.

Sự cảm thụ cái đẹp về hình thể, dáng vóc của con người đã được tái hiện qua biết bao tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ thời Phục hưng cho đến Hiện đại, Đương đại.

Thế nhưng, sự thể hiện cái đẹp hình thể, dáng vóc khỏa thân của người phụ nữ, nhiều lúc dễ bị coi là vấn đề “nhạy cảm”...

Cho nên, cái Đẹp nếu được đánh giá đúng, trước hết chính bản thân người nghệ sĩ phải thể hiện tác phẩm của mình một cách có nghệ thuật và đó cũng là cách để công chúng thưởng thức cái đẹp của tranh khỏa thân một cách thuần khiết hơn là bị rơi vào cảm giác dung tục, nhục dục vì những bức vẽ tệ hại.

Phòng tranh Chân dung và khỏa thân do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức năm nay được ghi nhận có chất lượng và  đậm tính nghệ thuật, tuy số lượng 44 tác phẩm của 37 tác giả không phải là con số họa sĩ tham gia đông đảo.

Tuy nhiên, đáng kể ở không khí nghề nghiệp khá ấm áp, sôi nổi trong buổi tối khai mạc triển lãm với sự góp mặt khá “đề huề” từ các họa sĩ cao tuổi như Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Thanh Châu đến các họa sĩ trẻ như Ái Lan, Lê Kinh Tài, Lương Lưu Biên…

Với mảng tranh khỏa thân, người được coi “trẻ mãi không già” chính là phong cách vẽ thiếu nữ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Từng nổi tiếng với mảng tranh ký họa chiến tranh nhưng tranh vẽ các thiếu nữ khỏa thân của Huỳnh Phương Đông thật sống động, trữ tình, có hồn. Thế nhưng, trong phòng tranh, gần như không có sự chọn lựa bút pháp nghệ thuật nào tuyệt đối cho cách thể hiện về tranh khỏa thân.

Mỗi họa sĩ với nét sáng tạo riêng và họ đã cố gắng “làm mới mình” một cách duyên dáng.

Đó là tranh khỏa thân của Lê Minh, La Hon, Nguyễn Thân, Uyên Huy, Nguyễn Xuân Khoát, Hứa Thanh Bình, Mai Anh Dũng, Huỳnh Phú Hà, Đỗ Xuân Tịnh, Siu Quý…

Tranh của các nữ họa sĩ Đặng Thị Dương, Túy Phượng, Bạch Lan, Ái Lan một mặt mang tính hiện thực được cách điệu và một mặt bộc lộ tính thơ mộng, trữ tình  qua các bức thiếu nữ,  suối mơ…

Chân dung và khỏa thân ảnh 1

Thiếu nữ - tranh Nguyễn Văn Trung

Tranh chân dung chưa phong phú

Mảng tranh chân dung giản dị hơn so với tranh khỏa thân. Dường như các tác giả tham gia triển lãm với ý nghĩa “góp mặt cho vui” hơn là triển lãm tạo thành vệt lớn bộc lộ phong cách vẽ tranh chân dung. Hai phần chân dung được tìm thấy ở đây là cách vẽ tự họa và “họa đối tượng khác”.

Bên cạnh, các bức tự họa của Nguyễn Lâm, Nguyễn Tấn Cương, Hồ Hoàng Đài, Lê Vượng đầy nét thâm trầm;

Các bức chân dung Nguyễn Gia Trí của Thanh Châu, Suy tư của Nguyễn Thị Hiền, chân dung Đào Minh Tri của Trương Lộ khá điềm đạm, hoặc thấp thoáng chút ưu tư thì trái lại các bức chân dung của Lê Kinh Tài, Lương Lưu Biên thật hóm hỉnh, mới mẻ;

Bức Nhìn từ Tô-tem của Nguyễn Thanh Sơn dễ gây ấn tượng mạnh và bức chân dung Bùi Quang Ánh vẽ Phạm Duy đầy nhát màu chằng chịt thật rối nhưng rất lạ mắt…

Nghệ thuật khỏa thân (nude) gần như được mô tả nhiều trong văn chương, điện ảnh, nhiếp ảnh. Có lẽ trong mỹ thuật, tranh khỏa thân lại càng không phải là đề tài xa lạ.

Chỉ mong sao cái Đẹp của tranh khỏa thân luôn được thể hiện với ý nghĩa nghệ thuật thăng hoa, đúng đắn và được đối tượng thưởng ngoạn cảm nhận đúng đắn, gần gũi, tự nhiên - Đẹp là đẹp.

Theo Yên Ngọc
Sài gòn Giải phóng

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.