Loay hoay họa sỹ trẻ

Loay hoay họa sỹ trẻ
TP - Táo bạo trong ý tưởng và phương pháp thể hiện, mạnh dạn đi tìm đối tác và sống bằng nghề, đó là những nét cọ sơ lược phác nên bức tranh họa sỹ trẻ thời nay.
Loay hoay họa sỹ trẻ ảnh 1
Tranh của Lê Quảng Hà  Ảnh: BBC

Họa sỹ Trần Khánh Chương-Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN phát biểu trong Hội thảo mỹ thuật trẻ thời kỳ đổi mới ngày 6/12 tại Hà Nội: Nghệ sỹ tạo hình trẻ bao giờ cũng là những người sung sức, tìm tòi sáng tạo, dám dấn thân vào sự nghiệp...

Thời đổi mới, nghệ sỹ tạo hình có nhiều điều kiện về vật chất: nguyên vật liệu để sáng tạo đa dạng và nhiều chủng loại, có thị trường, có môi trường cổ vũ sáng tạo, có điều kiện mở rộng nội dung, tìm tòi phong cách, bút pháp mới, có điều kiện giao lưu quốc tế rộng mở từ triển lãm đến tài liệu sách báo, internet, có tài trợ từ nhiều tổ chức khác nhau, có sự cởi mở chính sách thông thoáng, đó là luồng sinh khí mới cho nghệ sỹ hoạt động hiệu quả.

Thực ra, từ triển lãm mùa xuân 1967 diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân lần đầu tiên công bố tác phẩm không nằm trong khuôn phép, phòng tranh gây ồn ào dư luận một thời, gợi nhiều suy nghĩ, cảm nhận trong thế hệ tiếp theo.

Trại sáng tác Đại Lải, nhóm họa sỹ vừa già vừa trẻ bày một phòng tranh năm 1984, trong đó có bức Ngày sinh nhật của Đào Minh Tri gây chấn động, ý nghĩa phồn thực táo bạo đến nỗi ban tổ chức phải hạ ngay Ngày sinh nhật. Nhưng cũng từ đây giới nghiên cứu phê bình cho rằng đã hé mở một khuynh hướng sáng tác mới không thể kìm hãm.

Điều đáng nói hiện nay phần lớn họa sỹ trẻ tự sống bằng chính nghề nghiệp và tác phẩm. Họ nhạy cảm, tự tin vẽ tranh-mở triển lãm-tìm đối tác-bán tranh. Sân chơi Hội và CLB Họa sỹ trẻ trở nên nhỏ bé, cũng như Hội Nhà văn, rải rác vài cây cọ xin ra khỏi Hội Mỹ thuật. Thế nhưng, tại hội thảo này vẫn có người kỳ vọng.

Giới “cọ-toan” cũng không hiếm người thích đại ngôn: Tôi vẽ chẳng khác đứa trẻ nghịch cát; Cái đẹp không quan trọng bằng cái mới; Nghệ thuật trước hết là để tự giải tỏa, tự hưng phấn, mặc búa rìu dư luận...

Trong bài phát biểu “Sáng tạo, táo bạo và bồng bột, phiêu lưu”, ông Thái Hanh đưa ra câu hỏi không lời đáp: “Lớp trẻ cứ làm theo cách hiểu của mình: bắt chước, vay mượn nghệ thuật hiện đại nước ngoài là tiên tiến? Hay cứ phỏng theo chạm khắc đình làng, sử dụng các hoa văn cổ, cho đến mô tả lễ hội, đi chùa, cúng bái, cầu trời khấn Phật, hóa mã âm dương, ngũ hành..., như vậy là đã có bản sắc dân tộc?”

Trào lưu sắp đặt, trình diễn, video-art đang nở rộ ở VN không thể gọi là mỹ thuật đương đại, vì thế giới đã bước qua nó. Nói như họa sỹ Phạm Đình Chương - cựu chủ nhiệm CLB Họa sỹ trẻ: “Sắp đặt không thể đẹp mắt. Nếu đẹp mắt thì chỉ là sắp xếp thôi”.

Sự xúc động nơi người xem là một thang giá trị đánh giá tác phẩm mỹ thuật, đang bị giới cầm cọ trẻ tuổi “lờ tịt” đi, đến mức họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm từng phàn nàn: “Có cảm tưởng rất rõ là các họa sỹ tìm sự mới lạ trên tranh nhưng lại quên mất cái gốc của nghệ thuật là tình cảm”.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cũng đã nói trong một bài viết: “Họ quá tu họa, mà quên mất tu thân-cái quyết định thành đạt nghệ thuật”. Bà Phan Gia Hương-Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho rằng, anh em trẻ muốn gây ấn tượng nhanh, mạnh, nhưng để tồn tại thì họ chưa làm nổi.

Những người đứng đầu Hội Mỹ thuật tỏ ra thoải mái với phát ngôn khá tự do của họa sỹ trẻ. Nhưng liệu họ có lắng nghe hay không, đó là chuyện khác...

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.