Đến nay, cuộc thi đã trở thành cuộc vận động sáng tác mỹ thuật quy mô có sự tham gia của giới chuyên nghiệp.
Với nhiệt tình “rủ rê” của họa sĩ Thành Chương, tới nay danh sách các nghệ sĩ khắp 3 miền Bắc Trung Nam nhận lời tham gia sáng tác đã vượt quá con số 60- dẫn đầu là Đặng Xuân Hòa, Đào Minh Tri, Trần Lương, Lê Thiết Cương, Quách Đông Phương, Đỗ Phấn...
Đấy là chưa kể một số nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thiều... cũng dấn thân vào cuộc phác họa bậc tiền bối.
Tất nhiên, đối tượng tham gia cuộc thi có cả sinh viên các trường nghệ thuật tạo hình và những bạn đọc yêu mến Nam Cao... Các tác phẩm tham dự lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, cũng như từ những nhân vật điển hình do ông xây dựng nên: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, lão Hạc, giáo Thứ...
Ngoài ra không giới hạn về hình thức, chất liệu hay phong cách tạo hình. Chỉ hạn chế về kích thước dưới 1,5m2 với tác phẩm hội họa và dưới 100kg với điêu khắc.
Dự kiến triển lãm diễn ra vào cuối tháng 5/2005 tại HN và TP. HCM. Tác phẩm tham gia gửi về báo Thể thao Văn hóa, 33 Lê Thánh Tông trước 25/4/2006. Sau triển lãm, Bảo tàng Văn học VN (dự kiến khánh thành cuối 2006 trên diện tích 4.000m2 tại Quảng Bá) sẽ tuyển lựa một số tác phẩm để trưng bày.
Công ty Le Media cũng sẽ tổ chức bán đấu giá các tác phẩm trực tiếp qua cầu Internet HN- TP.HCM. Một phần số tiền bán tác phẩm sẽ được các tác giả tự nguyện góp vào quỹ của dự án Vườn hiện thực Nam Cao.
Dự án này đang định mua lại căn nhà gỗ lim của nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến tại xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam để biến thành nhà lưu niệm. Để có thêm hiện vật cho Bảo tàng Văn học, sẽ có thêm các cuộc vận động sáng tác trong 5-10 năm tới về các nhà văn khác, nhân vật khác - Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.
Lê Trí Dũng, một trong các họa sĩ tham gia cuộc vận động “than phiền”: “Đáng ra các nhà văn cũng phải có tác phẩm viết về chúng tôi!”. Sau đó, ông đề nghị Hội Nhà văn cung cấp cho các họa sĩ tuyển tập tác phẩm của Nam Cao.