> Điệp viên Hezbollah bị săn lùng bởi một trang web bí ẩn
> Iran treo cổ 2 gián điệp
Hàng nghìn người tham dự lễ tang ông Hassan Lakkis hôm 4/12. Ảnh: RT. |
Đây là vụ mới nhất trong danh sách ám sát các nhân vật hàng đầu mà tình báo Israel gọi là “Mặt trận cấp tiến”, đến từ 2 nước Syria và Iran và 3 tổ chức: Hezbollah, Phong trào thánh chiến Hồi giáo Palestine và Hamas.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên Israel đối mặt những kẻ thù hùng mạnh, nhưng tình báo Israel tin rằng, đây là những kẻ thù đan xen phức tạp nhất mà Israel phải đương đầu. Kẻ thù của họ có thể là những nhân vật ở cấp lãnh đạo cho tới đặc vụ hiện trường, Foreign Policy trích lời các quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Israel (Mossad) và Ban giám đốc tình báo quân sự (Aman). Vì thế, tình báo Israel thực hiện nhiều hoạt động sâu rộng, đến mức ngay cả những người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite vốn rất ghét nhau cũng có chung một động lực duy nhất: sự thù địch đối với nhà nước Israel.
Năm 2004, Mossad bắt đầu xác định những nhân vật chủ chốt trong “Mặt trận cấp tiến” có năng lực công nghệ, tổ chức và hoạt động tiên tiến có khả năng, quyền hạn hiện thực hóa chiến lược của các nhóm cực đoan và những người ủng hộ.
Tình báo Israel lên danh sách kẻ thù, mỗi người trong đó sở hữu những kỹ năng chết người có thể gây đe dọa đối với Israel, ngay cả khi không có mạng lưới nào kết nối họ.
Đứng đầu danh sách này là 2 người: Imad Hughniyeh - Tư lệnh quân đội tối cao của Hezbollah và Tướng Muhammad Suleiman - người chỉ đạo các dự án đặc biệt bí mật của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong bài báo viết về vụ ám sát Lakkis, báo Daily Star của Li-băng gọi ông này là “nhân vật chủ chốt trong chương trình máy bay không người lái của Hezbollah”.
Theo tài liệu của tình báo Israel, Lakkis bắt đầu hoạt động cho phong trào cực đoan của người Shiite từ khi 19 tuổi. Có kiến thức khá về kỹ thuật nhờ học ở Đại học Li-băng, nhưng hầu hết kỹ năng của Lakkis có được là nhờ kinh nghiệm phát triển và chế tạo vũ khí. Hầu như ngay từ đầu, Lakkis đã là người đảm trách chính việc mua sắm vũ khí và điều phối với Iran về những vấn đề này.
Theo phía Israel, nhờ những nỗ lực của Lakkis mà Hezbollah trở thành tổ chức cực đoan mạnh nhất từ trước đến giờ, thậm chí còn mạnh hơn cả al-Qaeda ở nhiều khía cạnh. Ngày 20/7/2006, Israel phóng rocket từ máy bay chiến đấu F-16 để tiêu diệt Lakkis trong căn hộ của Lakkis ở Beirut, nhưng ông này không có nhà nên chỉ có người con trai thiệt mạng.
Tuy nhiên, ám sát không phải lúc nào cũng là cách tốt để thay đổi tình hình. Vụ ám sát Tổng thư ký Hezbollah Abbas al-Musawi năm 1992 là ví dụ điển hình. Các vụ tấn công trả đũa nhằm vào Israel và các mục tiêu Do Thái sau khi ông Musawi qua đời đã khiến vài chục người chết, và nhân vật Hassan Nasrallah với tư tưởng cực đoan hơn và hoạt động hiệu quả hơn đã lên lãnh đạo tổ chức này. Hezbollah đã công khai đứng về phe Tổng thống Assad từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra bằng cách gửi quân đến chiến đấu.
TRÚC QUỲNH
Theo Foreign Policy