Chơi nhạc trên sông
Nói tới nghề chơi nhạc trên sông nước, người ta thường nói tới Huế hay đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ít ai biết được sông Sài Gòn cũng là một dòng sông tràn ngập tiếng nhạc mỗi đêm. Phóng viên theo chân thành viên các nhóm nhạc của nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh đến bến thuyền lúc chập tối. 5 con thuyền du lịch lớn, loại hai tầng, rực rỡ ánh đèn đã chờ trên sông.
Nam, một nghệ sĩ trống trẻ nói: “Chỉ riêng công ty biểu diễn của nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh đã diễn trên 3 con tàu du lịch, chưa kể các con tàu và các địa điểm biểu diễn phục vụ du khách quanh đây nữa”. Chập tối thì dọc bờ sông nhộn nhịp những anh em nghệ sĩ trẻ đeo đàn bầu, đàn nhị, nguyệt, mặc áo dài chờ giờ lên tàu ở khu vực bến Bạch Đằng. Du khách cũng tề tựu trên bến háo hức du ngoạn âm nhạc.
Khi đêm xuống, những con tàu chở đầy khách nước ngoài bắt đầu tiến ra sông Sài Gòn và tiếng đàn sáo vang lên. Mỗi con tàu đều dành một sân khấu lớn và âm nhạc là món ăn tinh thần không bao giờ thiếu trên các con tàu này. Khách ngồi trên những chiếc bàn nhỏ, vừa uống cà phê, ăn nhẹ, nghe nhạc và ngắm thành phố Việt Nam về đêm. Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh nói: “Nhiều người cứ nghĩ nhạc dân tộc là những bài buồn, nhạc chậm chạp. Nhưng chúng em thường chơi những bản nhạc dân gian sôi nổi khiến du khách rất nhạc nhiên và hào hứng”.
Ngoài những bài dân ca ba miền và các sáng tác mới mang phong cách dân gian, những nghệ sĩ trên tàu du lịch còn có thể chơi được nhiều bản nhạc của các nước như Úc, Mỹ, Nhật, Pháp, Nga… khiến du khách không khỏi ngạc nhiên khi thưởng thức âm nhạc của nước họ qua các nhạc cụ Việt Nam. Một nữ du khách Nhật Bản nói với phóng viên: “Chúng tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước đa dạng về văn hóa. Vì vậy, khi tới TPHCM, đoàn của chúng tôi gần 30 người đã đặt tour đi nghe nhạc trên sông Sài Gòn. Âm nhạc của Việt Nam thật là sinh động, các bạn rất trẻ trung”.
Hát trên phố đi bộ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã dần trở thành một điểm đến của du khách. Có mặt tại phố đi bộ vào những ngày mưa của Sài Gòn, thật ngạc nhiên là nhiều du khách nước ngoài vẫn đội mưa để chờ nghe nhạc. Một du khách Úc tên là Murray nói: “Tôi được khách sạn giới thiệu là vào cuối tuần các bạn biểu diễn âm nhạc đường phố, nên tôi đã chờ sẵn ở đây”.
Tối Chủ nhật, trời mưa to. Các nhân viên âm thanh cho biết: “Đang mùa mưa, có hôm ca sĩ hát mà bị điện giật rơi cả micro, chúng em không dám cắm điện vào”. Trước kia, các nghệ sĩ biểu diễn khá tự phát, nhưng gần đây ngành văn hóa thành phố quy hoạch phố đi bộ có 4 sân khấu lớn dọc phố đi bộ với nhiều loại hình như âm nhạc dân tộc, múa hiện đại, ảo thuật, nhạc quốc tế, nhạc pop Việt Nam.
Trời mưa to không dứt và nét độc đáo của âm nhạc Việt Nam lại phát huy, đó là ban nhạc dân tộc với các dụng cụ mộc vẫn biểu diễn được mà không cần đến âm thanh điện tử. Trong cơn mưa, khán giả vẫn đứng để xem đàn tơ rưng, đàn ống, trống, sáo… Murray được mời lên sân khấu để chơi thử một vài nhạc cụ Việt Nam, anh rất phấn khích và nói: “Nhạc cụ Việt Nam thật là khó chơi, nhưng thật thú vị”.
Biểu diễn trong nhà hát
Đôi khi thật khó tin, nhưng một số chương trình âm nhạc nghệ thuật tại TPHCM lại chủ yếu sống nhờ du khách nước ngoài mà điển hình là À Ố show. Chương trình kịch múa dân gian hiện đại, dựa trên cảm hứng tre trúc và nón lá… đã được rất nhiều trang web du lịch thế giới đưa vào danh sách chương trình đáng xem nhất khi tới Việt Nam và thực sự À Ố show đã từng đi lưu diễn thành công trên nhiều quốc gia trên thế giới. Các sô diễn kịch tre nứa này trước kia diễn ở Nhà hát Quân đội gần sân bay Tân Sơn Nhất, anh Văn Hiệp, làm ở nhà hát này nói: “Thật ngạc nhiên và tự hào khi một chương trình nghệ thuật của Việt Nam lại thu hút rất đông khách nước ngoài, ngày diễn mấy suất, đều kín chỗ”. Hiện nay À Ố show cũng được diễn tại Nhà hát lớn thành phố.
Nhà báo Hòa Bình có nhận xét: “Rất nhiều người nghĩ rằng du khách đến Việt Nam chỉ để tham quan danh lam thắng cảnh, thưởng thức các món ăn hay mua sắm… nhưng sự thành công của các chương trình nghệ thuật đã khiến người ta phải thay đổi về cách nhìn đối với du khách. Rất nhiều khách du lịch là người yêu nghệ thuật, nghiên cứu và biểu diễn nghệ thuật. Họ tới Việt Nam để xem nghệ thuật thực sự”. Nhà báo Hòa Bình (Báo Người Lao Động) và một số nghệ sĩ khác đã thử nghiệm một chương trình ẩm thực kết hợp với nhạc kịch gần bến Bạch Đằng. Dự án này trong quá trình thử nghiệm và được nhiều người quan tâm.
Tại Nhà hát lớn thành phố, các chương trình diễn âm nhạc giao hưởng thính phòng ngày càng nhiều hơn. Anh Phan Nam, nghệ sĩ trống giao hưởng vui vẻ nói: “Có khoảng 40% thậm chí 50% khán giả xem nhạc giao hưởng lại là khách nước ngoài. Họ tới du lịch, làm việc, xem có lịch diễn thì tới mua vé, mặc dù giá vé xem nhạc giao hưởng thính phòng tại Việt Nam không hề rẻ”.
Elias, một nữ doanh nhân người Sri lanka cho biết cô tới Việt Nam để tìm cơ hội kinh doanh, người mẹ của hai đứa con đã tranh thủ tới Nhà hát thành phố để xem nhạc giao hưởng. Cô nói: “Các nghệ sĩ Việt Nam chơi nhạc cổ điển Nga rất hay! Tôi sẽ quay lại nhà hát này xem khi có cơ hội”.
Jazz và rock cổ điển
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã chuyển vào TPHCM sống mấy năm và anh mở một Club nhạc Jazz gần chợ Bến Thành. Ban nhạc quy tụ nhiều nghệ sĩ trong nước và nước ngoài. Khoảng 70% khách của quán nhạc jazz này là khách nước ngoài. Trần Mạnh Tuấn và các nghệ sĩ Việt Nam luôn trình diễn một lối chơi bốc lửa, đúng phong cách năng động của thành phố phương Nam. Trong một buổi biểu diễn như thế, phóng viên thấy anh Phương - nghệ sĩ Piano đã … ngất xỉu trên phím đàn vì làm việc quá sức!
Nhạc rock ở các quán bar là một sản phẩm có từ trước 1975. Nghệ sĩ kỳ cựu Công Danh kể: “Năm 1972, tôi đã bắt đầu chơi trong các quán bar phục vụ lính Mỹ và các doanh nhân Mỹ. Sau này Mỹ rút về nước, tôi làm việc trong đoàn ca nhạc nhẹ của thành phố, chơi nhạc Việt Nam, nhưng từ thời kỳ mở cửa, band chúng tôi lại chơi nhạc Mỹ mưu sinh”.
Những du khách lớn tuổi và những người thích tìm hiểu về âm nhạc thường tìm tới Yoko bar để xem thứ nhạc rock kinh điển những năm 1970-1980 của thế kỷ trước. Thậm chí hiện nay, các công ty du lịch đã mở hẳn một tour du lịch văn hóa bằng xe vespa cổ trong thành phố mỗi tối, trong đó có một địa điểm dừng chân là quán nhạc Yoko. Du khách nước ngoài khoảng 50-60 tuổi rất hào hứng với chuyến đi bằng xe Vecpa cổ, khoảng 10 giờ đêm lại dừng chân trong quán nhạc nghe các tác phẩm rock kinh điển của thế giới, được các nghệ sĩ Việt Nam ở độ tuổi 60 chơi rất nhuần nhuyễn và bùi tai. Thậm chí, trước đó quán bar nhạc còn có sự tham gia của các nghệ sĩ nước ngoài sống ở Việt Nam hoặc trên đường lưu diễn. Họ đã chọn quán nhạc đông nghẹt khách với không khí giản dị để trình diễn thay vì các sân khấu đón tiếp long trọng.
Âm nhạc du lịch: Bản sắc hay copy?
Mỗi tối có hàng chục điểm phục vụ âm nhạc cho du khách nước ngoài, song thật khó để tìm một đánh giá chung về tương lai của công việc này. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói rằng “anh muốn đưa nhạc jazz đến gần hơn với khán giả Việt Nam chứ không phải chỉ là du khách nước ngoài”. Khá nhiều khách Việt Nam đã tới quán nhạc jazz của Trần Mạnh Tuấn, nhưng khi họ đưa ra yêu cầu tác phẩm cho nghệ sĩ trình diễn thì phần lớn là yêu cầu các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay Văn Cao và nhạc Bolero.
Nghệ sĩ Công Danh cũng tâm sự: “Chơi nhạc ngoại quốc chỉ là phục vụ cho du khách thôi, chứ đó không phải là thứ nghệ thuật mà các nghệ sĩ hướng tới”. Bản thân nghệ sĩ Công Danh khi ra CD âm nhạc của mình thì anh hoàn toàn không thu âm bài nhạc ngoại quốc nào mà chỉ thu những tác phẩm do anh sáng tác.
Rất nhiều người đặt ra câu hỏi “Chơi nhạc cho Tây nghe” có phải là nghệ thuật đích thực hay chỉ là một công việc giải trí mưu sinh qua ngày? Anh Dũng, một người hay đi nghe nhạc đã bày tỏ sự thất vọng với phóng viên “Nhiều bạn trẻ có thể thuộc lòng vài trăm ca khúc ngoại quốc để hát bằng thứ tiếng Anh “bồi”, nhưng các bạn ấy lại không thể thuộc và hát nổi một ca khúc Việt Nam”.
Song rất nhiều người khác, trong và ngoài giới chơi nhạc lại ủng hộ việc chơi nhạc ngoại quốc và chơi nhạc Việt Nam theo nhiều phong cách khác nhau. Nghệ sĩ rock Trung Thành nói: “Âm nhạc đa dạng, nhiều vẻ đẹp khác nhau, không có giới hạn nào”. Hiển, một nghệ sĩ chơi guitar bass buổi tối (ban ngày anh làm kiểm dịch thú y) nói rằng band rock của Hiển chủ yếu chơi nhạc trong quán bar “dành cho” Tây, đa phần là khách Tây. Song sắp tới band của họ sẽ biểu diễn tại Thái Lan trong một festival âm nhạc.
Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh, người quản lý khoảng 7 nhóm nhạc và gần 200 nghệ sĩ chơi nhạc trên sông nước và trong các khách sạn lớn của TPHCM tâm sự: “Em muốn tạo nhiều công việc cho các bạn trẻ học nhạc tăng thêm thu nhập và có cơ hội cọ xát với thực tế. Các nghệ sĩ chúng em cũng thường xuyên chấp nhận những sô diễn hòa vốn, thậm chí không có lãi, sẵn lòng đưa âm nhạc Việt Nam đến với du khách khi họ tới thành phố này”.
6/2017