Khó tìm ra công chức yếu kém
Ngày 3/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho hay, theo kết quả phân loại, đánh giá công chức năm 2013, toàn tỉnh có 25% công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 72% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ có 2% không hoàn thành nhiệm vụ và 1,3% được đánh giá có hạn chế năng lực. Tương tự, TPHCM cũng có tỷ lệ công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 90%, tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ dưới 1%.
Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành năm 2013, cả nước có tới 92,58% công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và số không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5,66%. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thốt lên: “Nếu tỷ lệ tốt, xuất sắc cao đúng thực tế như vậy thì cần gì cải cách công vụ, công chức nữa”. Đại diện các Sở Nội vụ đều thừa nhận, theo quy định, công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, đơn vị giải quyết thôi việc, nhưng để thực hiện việc này không dễ. Bởi việc đánh giá chất lượng công chức còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nể nang, dĩ hòa vi quý, chưa phát huy hết quyền hạn của người đứng đầu.
Theo Luật Công chức và các quy định hiện hành, công chức đang được đánh giá theo các tiêu chí như phẩm chất chính trị, đạo đức; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật; năng lực và kết quả công việc; tinh thần làm việc; thái độ phục vụ nhân dân.
Ông Tuấn nhận xét, vẫn chưa thể phân định được người tận tụy, làm tốt công việc và người lười nhác, không đạt kết quả công việc. Ông nói, việc đánh giá công chức thông qua việc lấy phiếu tập thể nên cấp trên cũng khó hạ mức đánh giá. “Nên để người đứng đầu có quyền đánh giá và chịu trách nhiệm với đánh giá đó với cấp dưới”, ông nói.
Ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng UNDP Việt Nam, cho rằng, cần xem lại quy trình đánh giá chất lượng công chức, bởi theo ông, nếu tính khách quan, trung thực, khó mà có tỷ lệ “sáng” như vậy. Tham khảo chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAPI), ông Alfaro chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng chất lượng công chức, trong đó có yếu tố đầu vào. Năm 2013, có tới 44% người được hỏi cho rằng, xin việc vào cơ quan nhà nước có chuyện tham nhũng, hối lộ. Một nguyên nhân nữa được xác định ảnh hưởng chất lượng công chức là việc “chân trong chân ngoài”. Khảo sát năm 2009 cho thấy, đối tượng có hơn 1 việc làm tập trung chủ yếu vào công chức, chiếm khoảng 14,4%. Động cơ thúc đẩy việc “chân trong chân ngoài” của công chức được cho là cơ chế tiền lương không đủ sống. Theo PAPI, khảo sát trên 15.016 người năm 2011 cho thấy, 35% cán bộ công chức sử dụng thời gian để làm thêm và 30% lợi dụng vị trí của mình để nhận quà và các khoản khác.
Học gì từ New Zealand?
Phó trưởng Ban Công vụ New Zealand, ông Ryan Orange, nói rằng, New Zealand coi việc đánh giá chất lượng công chức rất quan trọng vì họ ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng công việc và nguồn thu của đất nước. Ông Ryan Orange khẳng định, đất nước có tỷ lệ tham nhũng thấp vì thế tính minh bạch, khách quan ăn sâu vào tiềm thức người lãnh đạo. Vì thế, khi trở thành lãnh đạo, họ hiếm có chuyện thiên vị cấp dưới mà đánh giá năng lực bằng kết quả công việc. Theo ông Orange, nhân viên trong các cơ quan nhà nước được đánh giá chủ yếu bởi người đứng đầu và dựa vào các tiêu chí công việc mà hai bên đã cam kết từ đầu năm. Không có chuyện, một cơ quan cuối năm đạt kết quả công việc không tốt mà lại có tỷ lệ công chức được xếp loại xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao. “Hơn nữa, nhân viên các cơ quan có thể độc lập gặp Ban Công vụ để tố cáo lãnh đạo trực tiếp nếu có nghi ngờ về tính không minh bạch và việc này sẽ lập tức được điều tra ngay. Tuy nhiên, trong lịch sử 100 năm qua chưa có sự việc nào như thế xảy ra”, ông Orange cho hay.
Thông thường ở New Zealand, tỷ lệ người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ khoảng 10%.
Theo PAPI, người dân nhận định, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong khu vực công từ 2011 đến 2013 có xu hướng tăng. Năm 2011, số người xin việc vào cơ quan nhà nước thừa nhận phải hối lộ là 28%, năm 2013 là 44%; hối lộ khi khám chữa bệnh tại bệnh viện công năm 2011 là 31%, năm 2013 tăng lên 42%...