Điều 5 Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 21/CP ngày 16/4/1996 của Chính phủ quy định như sau: “Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà có điều kiện cải thiện chỗ ở…”. Như vậy, theo tinh thần của quy định này, nhà nước chỉ giải quyết bán nhà cho những người đang thuê dài hạn có hoàn cảnh khó khăn, cần giải quyết về chỗ ở chứ không bán nhà cho những đối tượng đã có điều kiện về chỗ ở.
Để làm rõ quy định này, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 7805/QĐ-UB-QLĐT ngày 18/11/1995 đưa ra quy trình 12 bước giải quyết việc mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Sau đó ban hành Quyết định số 03/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 về thực hiện bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ trên địa bàn thành phố. Quyết định chi tiết về đối tượng, trình tự, thủ tục, hồ sơ để thực hiện việc mua bán nhà…
Tinh thần chung của các quyết định này là đối tượng được mua phải là người thuê nhà, gặp khó khăn về nhà ở và chưa có nhà ở tại bất cứ đâu, không nhất thiết trên địa bàn TPHCM.
Vào thời điểm tháng 3/2011, UBND TPHCM giải quyết bán nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, ông Trần Văn Truyền đã có nhiều tài sản “khủng” gồm nhà, đất tại Bến Tre, TPHCM. Thậm chí biệt thự ở quận 9, TPHCM ông Truyền cũng không sử dụng. Như vậy, việc các cơ quan chức năng của TPHCM giải quyết bán nhà cho ông Trần Văn Truyền là không đúng đối tượng, thiếu cơ sở pháp lý, trái với quy định của Nghị định 61/CP.
Theo quy định tại Nghị định 61/CP, việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ra quyết định thành lập hội đồng bán nhà, một lãnh đạo ủy ban làm chủ tịch hội đồng với ủy viên là đại diện các Sở Xây dựng, Tài chính, TN&MT, Quy hoạch kiến trúc... Để xảy ra sai phạm như trên, trách nhiệm của những người này như thế nào?
Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thôi.
Cụ thể phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Chịu trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Trong việc này rõ ràng là đối tượng được xét mua nhà không đúng. Những công chức này đã làm trái các quy định của pháp luật. Cần làm rõ, xem xét có phải do nể nang nhau mà cố ý làm trái quy định của pháp luật hay không? Hay là có động cơ khác? Căn cứ vào mức độ vi phạm có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ ông Trần Văn Truyền sở hữu những tài sản “khủng”, theo ông, còn vấn đề gì cần làm rõ thêm?
Theo tôi, cần làm rõ nguồn gốc tài sản của ông Trần Văn Truyền đến từ đâu. Chỉ riêng tài sản là biệt thự ở Bến Tre đã có trị giá khoảng 50 tỷ đồng, chưa kể các tài sản khác. Cần làm rõ nguồn tiền đó từ đâu, bằng cách nào ông Truyền xây dựng được căn nhà đó cùng nhiều tài sản khác nữa ở TPHCM. Ông Truyền khai rằng, nguồn tiền từ một người em nuôi cho mượn thì cũng cần phải làm rõ mối quan hệ thực chất đó như thế nào, có thực là em nuôi hay không hay là lý do khác. Xác định được nguồn gốc nguồn tiền từ đó có thể có biện pháp xử lý thích hợp đối với ông Trần Văn Truyền. Nếu tiền đó có nguồn gốc không minh bạch có thể xem xét xử lý hình sự.
TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện bán nhà thuộc sở hữu của nhà nước. Từ sự kiện bán sai đối tượng đối với ông Trần Văn Truyền, TPHCM có thể rút ra được bài học gì?
Cần phải xem lại ý thức chấp hành pháp luật, thậm chí coi thường pháp luật của một số công chức. Quy định về quy trình hóa giá nhà ở khá đầy đủ, nhưng những người thực hiện cố tình làm sai. Những người làm sai cần phải xử lý nghiêm. Đối với lãnh đạo TPHCM, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của những công chức thừa hành.