ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho biết, dư luận rất bức xúc, phản ánh người có năng lực không vào nhà nước hoặc "nếu vào thì sau đó lại xin ra". Trong khi đó, ngày càng nhiều những người “sáng cắp ô đi tối cắp về”, năng lực yếu kém trong bộ máy.
“Tại sao những cán bộ có năng lực giảm thì số công chức "một dạ hai vâng", ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều?”- đại biểu Đương chất vấn.
Bộ trưởng Bình thừa nhận “đây là câu hỏi khó”. Ông cho rằng, có tình trạng như đại biểu nêu: người có năng lực ra khỏi cơ quan nhà nước, thiếu cán bộ tâm huyết với công việc, số lười nhác ham muốn thành đạt thì nhiều. Nguyên nhân do sử dụng cán bộ chưa đúng với phẩm chất, trình độ. Cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tiền lương chậm cải thiện nên chưa tuyển dụng được người có năng lực.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Cần phải đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng người có tài năng làm được việc. Hiện Bộ đang trình Thủ tướng đề án tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc vào cơ quan nhà nước, doanh ngiệp từ nay đến 2020. Việc này chắc chắn sẽ bổ sung thêm một đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất bổ sung vào nhà nước. Đồng thời, Bộ cũng trình Thủ tướng nghị định về tinh giản biên chế có thể triển khai từ đầu 2015. Đi theo là dề án về tinh giản biên chế đang hoàn thiện tờ trình, sẽ sớm xin ý kiến Trung ương, trong đó có nhiều biện pháp mạnh.
“Cùng với tinh giản biên chế, về lâu dài, phải nghiên cứu chỉ tuyển dụng người có đủ tài năng, đủ phẩm chất vào bộ máy” – Ông Bình cho biết.
Lạm phát cấp phó vì người đứng đầu không nghiêm
Trả lời đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) về tình trạng lạm phát cấp phó khiến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, ông Bình cho biết: Theo quy định một cơ quan có 4 thứ trưởng, tăng thêm phải có đề án, được cơ quan thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên đây là vấn đề rất phức tạp.
“Thời gian qua, Bộ Nội vụ có đề nghị với Chính phủ quy định cứng số lượng thứ trưởng. Bộ Nội vụ muốn ít nhưng quan điểm các bộ lại muốn nhiều, vì vậy không bỏ phiếu thông qua được”, ông Bình nói. Theo ông Bình, tới đây sẽ tiếp tục phải xây dựng quy định số lượng cụ thể số lượng thứ trưởng đối với các bộ.
Phân tích nguyên nhân lạm phát cấp phó, ông Bình cho rằng, trước hết do việc bổ nhiệm tại các đơn vị còn dễ dãi.
“Nếu người đứng đầu thiếu gương mẫu, cấp ủy thiếu tính chiến đấu, và có tình trạng chấp hành quy định không nghiêm thì tình hình sẽ xảy ra”, ông Bình lý giải.
Gian lận thi công chức, Bộ trưởng có trách nhiệm?
Cho biết cử tri rất bức xúc vụ việc tiêu cực thi tuyển công chức tại Bộ Công thương, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn: “Bộ trưởng cho biết kết quả thanh tra, xử lý vụ việc này, cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng?”. ĐB Cao Thị Xuân cũng xin gửi nội dung này tới Bộ trưởng Công thương.
“Với Bộ Công thương, thời gian thanh tra lấy từ đầu nhiệm kỳ. Do thời gian dài, số đơn vị đông nên hiện vẫn đang hoàn thành hồ sơ để trao đổi thống nhất với đơn vị được thanh tra. Chính vì vậy mà thời gian không đảm bảo 45 ngày như quy định” – Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, theo Luật công chức, viên chức và nghị định hướng dẫn đã có một số đổi mới về thi tuyển. Vai trò của Bộ Nội vụ là biên soạn, hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục, đảm bảo khách quan, minh bạch, dân chủ công bằng. Bộ kết hợp với một số bộ, địa phương thi trên máy tính để hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên thời gian qua một số địa phương cũng có phát hiện và đã xử lý gian lận trong thi tuyển.
Sáng nay, Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình được nhiều đại biểu chất vấn việc thực hiện cải cách hành chính nâng cao chất lượng công vụ, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng lạm phát cấp phó; tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; cải cách tiền lương; tình trạng kéo dài tuổi nghỉ hưu mà không thôi quản lý, có chiều hướng phát triển.