Đáng sợ 'bà hỏa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu chúng ta thấy được con số hơn 1700 vụ cháy nổ xảy ra ở nước ta và cướp đi sinh mạng của hơn 100 người trong năm 2022, sẽ không ai nghĩ những quy định về việc siết công tác PCCC là… bất cập!

Mấy tháng nay, nhiều doanh nghiệp kêu than họ đang bị làm khó về các quy định mới trong công tác PCCC. Đại diện nhiều doanh nghiệp “kêu” rằng, nhiều điểm chưa khoa học, không hợp lý, cứng nhắc và đánh đồng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và tốn quá nhiều chi phí không cần thiết cho công tác này.

Anh Toàn, giám đốc một doanh nghiệp chế biến gỗ tại huyện Hóc Môn, TPHCM nói, trong câu chuyện PCCC này, nếu con người không làm dối, làm ẩu thì không cần phải siết chặt thêm bằng những quy định mới. Tôi hỏi, quy định càng chặt chẽ thì càng an toàn đối với công tác sản xuất chứ? Anh Toàn cười: Khi doanh nghiệp nào cũng bị áp điều kiện đảm bảo PCCC như nhau, trong khi ngành nghề kinh doanh khác nhau thì rất bất hợp lý?!. Nếu một phòng khám cũng cần đến hệ thống PCCC “kinh khủng” như các doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh dịch vụ karaoke; những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nguy cơ cháy nổ cao, vô hình chung đẩy họ vào việc, phải cộng thêm những chi phí không cần thiết, doanh nghiệp chịu không nổi.

Không thể phủ nhận, nhiều vụ cháy nổ đau lòng đã xảy ra bắt nguồn từ việc các cơ sở sản xuất kinh doanh lơ là, không tuân thủ các quy định về PCCC. Thế nhưng, nếu công tác quản lý, nghiệm thu PCCC không lỏng lẻo, mang tính hình thức thì doanh nghiệp có muốn sơ sài cũng không được. Và, quy định chặt chẽ cũng phải hợp lý, không thể một tiệm spa, làm đẹp lại phải đáp ứng các quy định về PCCC như một xưởng cơ khí, hay một cơ sở chế biến gỗ…

Chuyên gia về PCCC cũng đồng tình về việc cần phải phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất kinh doanh, từ đó áp quy định cụ thể. Về vấn đề này, Ban Dân nguyện của Quốc hội mới đây cũng đã kiến nghị, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về PCCC, từ đó sửa đổi các văn bản, để tháo gỡ những bất cập hiện hành, nhằm giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Quy định mới về PCCC, một toà nhà văn phòng hay một cơ sở sản xuất kinh doanh, đáp ứng được quy định PCCC là phải có bồn chứa nước bao nhiêu m3, có không gian thoát hiểm riêng khi xảy ra hoả hoạn, vật liệu dùng cho công trình phải đảm bảo chống cháy 48 tiếng đồng hồ… Tôi công nhận sẽ phải có những dự án, hay cơ sở sản xuất cần những điều kiện đó, nhưng không thể áp dụng tiêu chuẩn chung cho tất cả.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng bộ này sẽ tiếp thu, nghiên cứu theo hướng đề xuất của Ban Dân nguyện, tuy nhiên không thể hạ mức tiêu chuẩn về PCCC mà cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác này. Bởi, thực tế tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, dù số vụ cháy giảm hơn 25% song số người chết lại tăng 22% so với cùng kỳ. Đó là chưa kể, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Vì vậy, nếu không siết quy định PCCC thì hậu quả là không thể đo đếm được.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.