Cung cầu nhịp nhàng
Một thầy cúng ở Đống Đa, Hà Nội tự tin khẳng định “100% cửa hàng (huống hồ công ty lớn) khai trương đều phải cúng. Bạn thử hình dung một ngày có biết bao ki-ốt, gian hàng, văn phòng khai trương trên khắp cả nước”.
Cửa hàng nhỏ mời thầy cúng giá rẻ, doanh nghiệp lớn có khi mời cả đoàn sư về tụng kinh. Xã hội phát triển, khủng hoảng kinh tế khiến mức độ rủi ro của mỗi cá nhân càng lớn. Nhiều người trở nên lười biếng, không chịu tìm cách khắc phục mà chỉ muốn đi tắt qua cửa thánh thần.
Một số chủ cửa hàng tìm đến thầy cúng H. ở Từ Liêm đề nghị “thầy cúng cho cửa hàng cạnh nhà con bớt khách đi”. Có người mang tiền lễ đến với lời thỉnh “Thầy làm thế nào cho cái thằng bồ của con dứt điểm ly dị vợ”. Tất nhiên, thầy H. từ chối những đòi hỏi quá ư vô lý.
Phân định đẳng cấp
Chị ML, cán bộ trẻ của một viện nghiên cứu từng gặp chuyện đau khổ sau tan vỡ hôn nhân. Tự cảm thấy mình có căn, chị quyết định vào Thanh Hóa trình đồng mở phủ. Nhờ mối người quen, chi phí lần đầu của chị chỉ hết 15 triệu trong khi gói trình đồng bình dân nhất phải mất gần gấp đôi.
Sau lần đó chị ML thấy tinh thần nhẹ nhõm, công việc nhiều cơ hội hơn, chị đăng ký tham gia câu lạc bộ những người yêu thích tín ngưỡng đạo Mẫu. Theo chị ML, tại đây nếu ai có nhu cầu hầu đồng chỉ cần đóng 3 triệu. Mỗi người sẽ tham gia hầu 2-3 giá trong 36 giá với thầy đồng và cung văn truyền thống.
Mỗi vấn hầu đáp ứng nguyện vọng cho cả năm bảy tín đồ mê hầu thánh. “Tôi chỉ cần chuẩn bị 1 bộ khăn áo, 300-400 nghìn tiền lẻ để tung. Lần gần nhất tôi được hầu miễn phí. Tôi trẻ nhất lại nghèo nên được nhóm trợ duyên”, chị ML hào hứng kể và lấy thành tích tiết kiệm làm vui.
Trang trí lung linh điện thờ của cơ cánh hầu đồng VIP.
Dân nhà giàu có nhiều cách để chứng minh đẳng cấp. Thấy nhà kia đặt gói lễ 300 triệu, nhà này nâng lên 500 triệu. Một đằng gọi được cung văn từ Nhà hát chèo Thái Bình thì đằng nọ phải gọi được nghệ sĩ từ Nhà hát chèo Hà Nội.
Có những làng quê, người hầu đồng chỉ phải trả cung văn có 20 nghìn đồng/ 1 giá, trong khi đó đại gia VIP hứng lên thưởng hẳn 5 triệu/ 1 giá cho dàn nhạc.
Hôm đầu tháng 6 vừa rồi, một số người tham quan Tam Cốc, Bích động (Ninh Bình) trầm trồ khi vô tình ghé thăm đền Thái Vi. Giật status “Còn hơn lễ hội cấp tỉnh!” trên trang cá nhân, nhóm bạn này tả về lễ cúng hoành tráng của một dòng tộc nào đó.
Hàng trăm con ngựa mã đại xếp kín đường vào đền, nhạc nổi vang khắp vùng. Gia chủ còn thuê cả flycam để quay trọn quang cảnh buổi lễ.
Bàn về đẳng cấp đền chùa và tăng lữ, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo) cho rằng, có nhiều ngôi đền tên tuổi không dễ để đăng ký làm lễ. Chủ đền cũng muốn chọn con nhang có thần thế, lễ cúng càng hoành tráng, tiếng tăm đền càng vang xa.
Chuyện sư vung tay trang hoàng chùa hay bản thân họ đi xe đẹp cũng là vì đa số con nhang chuộng hình thức, coi trọng vật chất. Nếu nhìn thấy sư đi xe đạp, thiên hạ sẽ nghĩ, chùa ấy nghèo, mình vào cúng làm gì có lộc”.
Thủ nhang một ngôi đền ở Hà Nam chia sẻ hàng năm đền của ông phải đóng góp tiền tỷ cho xã, tự túc kinh phí xây dựng mở rộng đền nên phải trông nhiều vào con nhang đệ tử VIP.
Bản thân dân quanh vùng cũng tự hào, dân tứ xứ đổ về đông hơn hẳn vì đền quê họ khang trang và thu hút tín đồ giàu sang quyền chức. Thời này định nghĩa đền chùa thiêng có khi phải bổ sung thêm yếu tố đông khách VIP.
Tam giác Thầy cúng- Sư-Nhà mã
Ngành “công nghiệp hương khói” siêu lợi nhuận nhờ lý do một công dân bất kỳ giàu hay nghèo cũng như sự bất an nhỏ nhất nào cũng có thể biến họ thành tín đồ tâm linh. Thầy cúng (thầy đồng) có khả năng giao lưu với hồn, sư tụng kinh niệm Phật, nhà mã (hàng mã) cung cấp đồ lễ, thiếu tam giác “thần thánh” này mọi nguyện vọng của con nhang không thể cập bến.
Càng nhiều mã đại, vấn hầu càng đẳng cấp.
Thầy đồng có tâm viết danh sách đồ lễ tối thiểu, để con nhang tự đi mua. Thầy tử tế chọn nhóm hát văn cũng mềm giá, đàn hát nhiệt tình. Cùng êkip với thày đồng chảnh, làm tiền, cung văn của họ sẵn sàng bỏ đàn nếu người hầu đồng tung tiền lộc mệnh giá bèo như 500 hay 1.000 đồng.
Có nơi, thầy cúng - Sư - Nhà mã thành một tam giác khép kín trong công nghệ hốt bạc con nhang đại gia. Thầy đồng kiêm thầy cúng T. ở Chèm tâm sự: “Có nhiều sư gặp tôi bảo nếu kiếm được khách đại gia cần tụng kinh làm lễ họ sẽ chi cho tôi 10 triệu hoa hồng mỗi lần”.
TS Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng Dân tộc học) kể: Đồ mã dâng cúng thánh thần giữa vùng nông thôn và thành thị cũng có sự khác nhau. Một con ngựa mã trong lễ cúng cầu an, trấn trạch ở các làng quê chỉ có 15 nghìn đồng, còn ở thành phố cũng con ngựa có kích thước như vậy, các thầy cúng thu tiền của chủ nhà lên tới 200 ngàn đồng.
Lễ cúng trấn trạch (lên nhà mới) ở nông thôn chỉ tốn kém tối đa là 500 ngàn đồng còn ở Hà Nội có gia đình phải trả riêng tiền vàng mã cho thầy cúng 12 triệu đồng (năm 2012). Với phương thức thầy cúng liệt kê cho chủ nhà phải đốt những loại tiền vàng mã này thì mới đắc lễ và thầy kiêm luôn dịch vụ mua bán cho chủ nhà. Ai cũng biết nhà mã phải chi phần trăm cho thầy môi giới.
Giá trọn gói Tứ phủ trình đồng như sau: Trung đàn (bình dân) 70 triệu; Tiểu đàn (người kiệt quệ) 25 triệu; Đại đàn (thượng lưu) 150 triệu. Tuy nhiên với đồng đú quá giàu thầy đồng có thể vẽ thêm danh sách ngựa voi mã đại, thậm chí đặt làm tượng các thánh bằng mã, giá thành đội từ 200 triệu lên tới cả tỷ đồng. Nhà mã cũng phải có thương hiệu mới được thầu gói lễ khủng đó.
Ngành “công nghiệp hương khói” siêu lợi nhuận nhờ lý do một công dân bất kỳ giàu hay nghèo cũng như sự bất an nhỏ nhất nào cũng có thể biến họ thành tín đồ tâm linh