Đại học Quốc gia Hà Nội công bố 'Ứng phó với biến đổi khí hậu'

ĐH Quốc gia Hà Nội họp báo công bố nội dung diễn đàn Hà Nội 2018
ĐH Quốc gia Hà Nội họp báo công bố nội dung diễn đàn Hà Nội 2018
TPO - 300 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo các quốc gia; chính khách, học giả, nhà khoa học... sẽ tham gia Diễn đàn 'Ứng phó với biến đổi khí hậu' do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Từ ngày 8 đến ngày 10/11/2018, ĐHQGHN phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018. Nội dung của Diễn đàn Hà Nội lần này được lựa chọn là “Ứng phó với Biến đổi khí hậu”, nội dung thứ 13 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững làm trọng tâm thảo luận, với tên gọi: “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh”.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Trong đó, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; Ông Stephen P. Groff, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc); Ông Youba Sokona, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ tham dự cũng như có bài trình bày tại phiên khai mạc và phiên báo cáo toàn thể.

Về phía Việt Nam, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc sẽ tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng đến từ các đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với 5 mục tiêu cốt lõi như: Xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu;

Hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với biến đổi khí hậu;

Đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải các-bon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu;

Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu;

Tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế và khu vực.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế….

Đồng hành cùng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, ĐHQGHN đã tích cực trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nghiên cứu, phục vụ quản lý và góp phần phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng và hội nhập.

Trong những năm qua, ĐHQGHN luôn là một trong những đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực các khoa học Trái đất, quản lý tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu và khoa học liên ngành. ĐHQGHN huy động tối đa lực lượng các nhà khoa học, chủ động nghiên cứu đề xuất xây dựng và tiên phong triển khai các chương trình đào tạo mới có tính liên ngành như Chương trình đào tạo Thạc sĩ Biến đổi khí hậu, Chương trình đào tạo Thạc sĩ Môi trường trong Phát triển bền vững, Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị An ninh Phi truyền thống… Cùng với việc tổ chức và tham gia nhiều hoạt động về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững,

Đại học Quốc gia Hà Nội còn có các phòng thí nghiệm trọng điểm, các nhóm nghiên cứu mạnh liên quan nội dung này như Phòng thí nghiệm trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, nhóm nghiên cứu mạnh “Vật liệu tiên tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển xanh”, nhóm nghiên cứu mạnh “Mô hình hóa khí hậu khu vực và biến đổi khí hậu”…

MỚI - NÓNG