Đại gia thủy sản Phương Nam nợ ngân hàng 1.600 tỷ đồng

Đại gia thủy sản Phương Nam nợ ngân hàng 1.600 tỷ đồng
Số vay nợ này gấp gần 5 lần vốn điều lệ công ty. Có ngân hàng cho Phương Nam vay gần 550 tỷ đồng.
Công ty Phương Nam đang vướng vào nợ nần, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân hiện đang ở Mỹ
Công ty Phương Nam đang vướng vào nợ nần, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân hiện đang ở Mỹ.

Chiều ngày 1-11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (Agribank) cho biết vừa có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, Sở Giao dịch Hậu Giang) để bàn phương án tái cơ cấu Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam. Đây là hai ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 876 tỷ đồng bằng tài sản thế chấp là thiết bị nhà xưởng, hàng tồn kho, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Theo nguồn tin của VnExpress.net, cuộc họp giữa hai ngân hàng có Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Thành Nghiệp tham dự. Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng gửi công văn đến 7 ngân hàng là chủ nợ của Công ty Phương Nam nêu ý kiến của ông Nghiệp với mong muốn các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp xây dựng, thống nhất và triển khai phương án tái cấu trúc để công ty phục hồi sản xuất hiệu quả trở lại. Ông Nghiệp cũng yêu cầu các sở ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Công ty Phương Nam có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng do ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT. Từ một doanh nghiệp thủy sản ăn nên làm ra, đứng thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu năm 2011 với giá trị xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD, sang năm 2012, Công ty Phương Nam có dấu hiệu lún vào nợ nần. Do hoạt động cầm chừng nên từ đầu năm đến nay công ty chỉ đạt doanh thu hơn 7 triệu USD và ông Khuân gửi thư đến 7 ngân hàng với nội dung cáo bệnh, không thể về nước tham gia tái cơ cấu nợ nần.

Nguồn tin riêng của VnExpress.net cho biết, dư nợ liên quan đến các ngân hàng tại Công ty Phương Nam đến thời điểm này đã trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó có đến 1.462 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn, còn lại là trung hạn và dư nợ cho vay vốn nhận từ các tổ chức, cá nhân khác. So sánh giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, Công ty Phương Nam đang mất cân đối khoảng 860 tỷ đồng. Đáng chú ý là có ngân hàng cho vay đến 548 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản thế chấp hiện chỉ còn khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất.

Với dư nợ quá lớn nên đến thời điểm này chỉ có Agribank còn quan hệ tín dụng với Công ty Phương Nam để nhà máy sản xuất tôm tại TP Sóc Trăng có vốn mua nguyên liệu hoạt động cầm chừng. Cơ quan điều tra đang vào cuộc để làm rõ nợ nần của doanh nghiệp này và các ngân hàng do chưa tìm được “tiếng nói chung” nhằm đề xuất với bộ, ngành trung ương chấp thuận phương án tái cơ cấu.

Ông Trần Văn Trí, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Cần Thơ) cho biết Công ty Phương Nam có thương hiệu nên cần thiết phải “giải cứu” để đưa con tôm của Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và giúp hàng chục ngàn nông dân ở vựa tôm Sóc Trăng tìm được đầu ra sau mỗi mùa vụ. Từ suy nghĩ này, chồng bà Diệu Hiền muốn chia sẻ kinh nghiệm để tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp Công ty Phương Nam đi vào sản xuất ổn định trở lại.

“Nếu được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ủng hộ và các ngân hàng đồng thuận, tôi sẽ tham gia ngay vào quá trình tái cấu trúc Công ty Phương Nam. Khi đó tôi sẽ dùng tài sản cá nhân tham gia góp vốn và sẵn sàng cùng các ngân hàng sớm bàn bạt kế hoạch đưa Công ty Phương Nam vượt qua khó khăn”, ông Trí cho biết thêm.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG