Đại biểu Quốc hội vạch trần mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông

Đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Ảnh Dũng Nguyễn
Đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Ảnh Dũng Nguyễn
TPO - “Bãi đá nửa chìm nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải, nhưng nếu nước lớn mà nó vẫn nổi thì sẽ biến thành bãi đá có 12 hải lý. Âm mưu của Trung Quốc chính là xây dựng những cấu trúc, để khi nước lớn nó vẫn nổi” - Đại biểu Quốc hội bóc mẽ mưu đồ của Trung Quốc khi cấp tập xây dựng hàng loạt các công trình trái phép ở biển Đông.
Ngày 28/5, phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Đại biểu Quốc hội Trương Trong Nghĩa (TP HCM) cho rằng, Điều 13 Công ước về Luật Biển có đề cập đến bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Đặc trưng của bãi cạn là lúc nước lớn nó bị chìm, lúc nước cạn sẽ nổi lên.


“Âm mưu của Trung Quốc chính là xây dựng những cấu trúc, để khi nước lớn thì nó vẫn nổi. Bãi đá nửa chìm nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải, nếu nước lớn mà nó vẫn nổi thì nó biến thành bãi đá có 12 hải lý xung quanh, nghĩa là lãnh hải của nước đó”, ông Nghĩa phân tích, đồng thời cho biết, nếu Luật Biển Việt Nam chưa nhắc đến các cấu trúc này thì bây giờ phải đề cập. 

“Luật Biển đã nói rõ định nghĩa về bãi đá, bao gồm cả các bãi đã, bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Nếu không đưa vào, người ta khai thác bãi đá đó mà ta phản đối người ta sẽ bảo Luật Biển Việt Nam không quy định”, ông Nghĩa cảnh báo.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, khi đưa các khái niệm về bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô… vào trong luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Nếu như chúng ta không đưa vào thì không thể bảo vệ được, như ở Trường Sa, ngoài phần đảo nổi còn có rất nhiều bãi nửa chìm, nửa nổi, bãi đá, bãi san hô. Việc chúng ta quy định vào trong luật này hoàn toàn phù hợp, không có mâu thuẫn gì với Công ước của Liên hợp quốc, Luật Biển năm 1982. Chỉ có quy định chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền, chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta”. 


Cũng theo đại biểu Trường, việc quy định vào trong luật còn góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng ta, như hành vi của Trung Quốc đổ hàng vạn mét khối bê tông xuống biển, ta hoàn toàn có quyền lên án họ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, ảnh hưởng đến tài nguyên ở đây. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kêu gọi các nước lên tiếng phản đối để bảo vệ môi trường biển, hải đảo dễ dàng.

Trước những hành động ráo riết xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề kỳ họp sáng 28/5, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh –  nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Quốc hội cần phải nghe báo cáo của Chính phủ về biển Đông trước, trên cơ sở đó sẽ cân nhắc có nên thảo luận về việc này hay không. 

“Chính phủ và Quốc hội phải có phương án mở để đấu tranh chung”, ông Rinh nhìn nhận. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, những việc chúng ta làm trước hết phải dựa vào luật pháp quốc tế.

Về quan điểm kiện Trung Quốc trước những hành vi vi phạm trên biển Đông, ông Rinh cho biết, nếu trong vòng 20 – 30 năm, khi vùng đất đó bị chiếm mà không ai lên tiếng thì đương nhiên thuộc về họ. Nhưng về chủ quyền, ai tuyên bố trước thì người đó làm chủ. Chủ quyền của Việt Nam là bất di bất dịch, nếu không kiện thì chủ quyền vẫn thuộc về Việt Nam. 

“Chúng ta có quyền khởi kiện, nhưng kiện như thế nào cần phải tính” – Tướng Rinh nói, đồng thời cho biết, khi ngư dân của ta đánh cá mà bị tàu Trung Quốc đâm, nếu có chứng cứ thì hoàn toàn có quyền khởi kiện.

MỚI - NÓNG