Đại biểu Quốc hội tranh luận về 'tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tranh luận về ý kiến của đại biểu cho rằng, việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng điều này chỉ đúng một phần, tuy nhiên chưa đủ và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, sự tiến bộ của xã hội.

Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, chính bản thân mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hàng ngày, cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn để xác định ranh giới vi phạm hình sự hay vi phạm hành chính.

Qua tìm hiểu, đại biểu đoàn Bình Định cho biết, trên thế giới chỉ có hai quốc gia có luật tương đối giống chúng ta là Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo ông, quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình đã được quy định rõ trong luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật trẻ em, luật người cao tuổi. Nhưng vấn đề là làm sao để thực hiện các quyền và trách nhiệm đó.

“Mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Nhưng theo tôi, xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ”, ông Cảnh cho hay và đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được mở rộng phạm vi.

Theo đại biểu, nhiều người mong có được kinh tế như hiện nay nhưng văn hóa được như xưa. Mặc dù không phải ai cũng đang có kinh tế ổn định, đặc biệt là những người lao động phổ thông, nhưng mong muốn đó cho thấy phần nào văn hóa thời gian qua có chuyển biến theo hướng tiêu cực, trong đó có văn hóa gia đình.

Về kinh tế, chúng ta đều mong muốn đến năm 2030, nước ta có GDP bình quân đầu người 7.500 USD/năm, là nước phát triển với nhiều nhóm, ngành hàng mang thương hiệu quốc gia. Lúc đó, chúng ta sẽ xây dựng nhiều hơn các chính sách dành cho người yếu thế, người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, kinh tế mỗi gia đình được đảm bảo.

“Vấn đề còn lại cần quan tâm đó là văn hóa gia đình đến năm 2030 và sau đó như thế nào. Theo tôi, văn hóa gia đình cũng cần được định hướng phù hợp với văn hóa quốc gia đó là văn hóa gia đình cũng phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tốt đẹp của thế giới và áp dụng lối sống văn minh”, ông Cảnh cho hay.

Tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ

Về giữ gìn truyền thống tốt đẹp, ông Nguyễn Văn Cảnh ví dụ: tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ. “Bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và được thụ hưởng như nhau về thành quả. Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất và theo mình cả đời đó là sự dịu dàng; đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có các năng lực khác nhưng không bù lại được kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình”, ông cho hay.

Đối với văn minh thế giới, theo đại biểu, cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi. “Việc có con duy trì nòi giống là bản năng sinh tồn của các loài, trong đó có loài người. Tuy nhiên khoa học đã chứng minh trong gen của cháu nội hay cháu ngoại đều chứa hơn 20% thông tin di truyền của ông bà. Như vậy cháu nội hay cháu ngoại cũng đều duy trì nòi giống cho ông bà. Việc thờ cúng thì ngày nay con gái, con rể hay cháu ngoại vẫn thực hiện chu đáo, chưa kể phần đông con gái quan tâm, chăm sóc cha mẹ già tốt hơn con trai”, ông cho hay.

Cũng theo đại biểu, đối với văn hóa tốt đẹp của các gia đình trên thế giới vợ chồng cần kính trọng lẫn nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng, sống gần gũi, ăn mặc chỉnh tề, dành quyền ưu tiên, nhận lãnh trách nhiệm, hy sinh cho nhau, sống vững niềm tin, làm tròn bổn phận vợ chồng.

“Cha mẹ nào cũng thương con nhưng người chồng tế nhị sẽ biết quan tâm vợ trước khi quan tâm con để tránh đôi lúc người vợ nghĩ chồng cưới mình về chỉ để sinh con, hay người vợ quan tâm chồng trước khi quan tâm con để người chồng nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình”, đại biểu cho hay.

Tranh luận về ý kiến của đại biểu cho rằng, việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng điều này chỉ đúng một phần, tuy nhiên chưa đủ và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, sự tiến bộ của xã hội. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu, cân nhắc việc sử dụng cụm từ “trên cơ sở giới, định kiến giới” tại dự thảo Luật để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và thống nhất các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với quy định về cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi, đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “vợ hoặc chồng” và chỉnh sửa theo hướng cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính thai nhi để đảm bảo khoa học, chặt chẽ. Bởi các hành vi bạo lực như trên không chỉ có vợ hoặc chồng mà còn có thể có sự can thiệp, cưỡng ép từ các thành viên khác trong gia đình như ông bà, cha mẹ…

MỚI - NÓNG