Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không đơn giản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không đơn giản, bởi vấn đề rất rộng, ai cũng nói được nhưng thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề dễ.

Chiều 31/5, cho ý kiến tại tổ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam và “khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thay đổi nhận thức về các hành vi bạo lực trong gia đình. Bởi tâm lý 'yêu cho roi cho vọt', nên nhiều người chưa chắc đã nhận thức được các hành vi thế nào là bạo lực". Vì thế, theo đại biểu đoàn Hà Nội, cần giáo dục để người dân nhận thức được các hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) đề xuất bổ sung quy định về quyền của người bị bạo lực được lựa chọn chỗ ở tại chính ngôi nhà của mình. “Người bị bạo hành, đánh đập không cớ gì lại phải ra khỏi nhà mình. Sao không đưa người bạo lực đi cách ly lại cứ phải đưa người yếu thế, bị bạo hành đi tạm lánh?”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu vấn đề.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trần Phương Trân (TPHCM) cũng đề nghị người bị bạo hành phải được quyền lựa chọn nơi tạm lánh. “Người bạo hành cần phải đưa ra khỏi nhà chứ không phải mẹ dắt díu con nhỏ đi tạm lánh. Phải bổ sung quyền của người bị bạo hành được lựa chọn chính ngôi nhà mình trở thành nơi tạm lánh”, đại biểu cho hay.

“Tại sao người bị bạo hành lại phải ra khỏi nhà, khi ngôi nhà đó đôi khi lại do chính họ sở hữu, hoặc trả tiền thuê? Trong khi đó người bạo lực lại ở trong ngôi nhà đó? Cần bảo vệ người yếu thế chứ? Nếu bị bạo hành lại phải rời khỏi nhà thì thiệt thòi vẫn rơi vào người yếu thế”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) nhấn mạnh.

Nhiều vụ việc rất nghiêm trọng

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) đánh giá, bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng, tính chất nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Nguyên nhân được chỉ ra là do tác động của cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội, như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy… và các biện pháp răn đe cũng chưa đủ nghiêm khắc.

Trước tình trạng trên, đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh việc cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương để ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các hành vi bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng lý giải, việc xây dựng bộ luật này là điều không đơn giản, bởi vấn đề rất rộng, ai cũng nói được nhưng thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản.

Theo ông Hùng, bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. Vì thế, để lượng hóa hết cho đầy đủ là điều không đơn giản dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, vấn đề bạo lực tình dục dù đã được nói đến nhiều, nhưng đây là vấn đề tế nhị, nên khó nói được hết những gì cần phải nói.

“Hôm trước, tôi đi báo cáo trước Ủy ban Xã hội để thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức để trình dự án luật này, các thành viên trong ủy ban cũng đặt vấn đề, ví dụ bây giờ sức ép của các bà vợ cứ bảo phải đi làm cho có thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ, chức kia thì đấy có phải hình thức bạo lực gia đình không?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và đề nghị các đại biểu góp ý thêm để khu trú được đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình trong luật.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.