Đại biểu quốc hội lo bác sĩ phải đi... học võ

Cảnh hành hung bác sĩ tại BV Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.
Cảnh hành hung bác sĩ tại BV Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.
TP - Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng, ngành y tế đang cô đơn trong việc bảo vệ an toàn cho nhân viên. “Tôi rất đau lòng khi các bác sĩ thay vì học khám chữa bệnh lại phải học võ. Tình trạng đạo đức xuống cấp sẽ đẩy ngành y tế đến bờ vực, làm cho qua chuyện, làm để đối phó, sẽ rất gay go.

“Đạo đức xuống cấp, đẩy ngành y đến bờ vực”

Ngày 24/4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế. Đề cập đến vấn đề con người, Bộ Y tế cho biết, tình hình an ninh trật tự an toàn tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo. Cụ thể trong quý I/2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ, như tại Bệnh viện sản nhi Yên Bái, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng băn khoăn trước tình trạng “hai thầy” đang bị coi thường, là thầy thuốc và thầy giáo. Trong nhà trường thì cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ, trong bệnh viện thì bác sỹ bị đánh. Đi giám sát khi đại biểu Quốc hội nêu vấn đề này ra, các tỉnh thành địa phương rất bức xúc. Ông Lợi cho rằng, bản thân các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng này.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng, ngành y tế đang cô đơn trong việc bảo vệ an toàn cho nhân viên. “Tôi rất đau lòng khi các bác sĩ thay vì học khám chữa bệnh lại phải học võ. Tình trạng đạo đức xuống cấp sẽ đẩy ngành y tế đến bờ vực, làm cho qua chuyện, làm để đối phó, sẽ rất gay go. Phải làm nóng vấn đề này lên, lãnh đạo Đảng, chính quyền phải cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành y tế ”, ông Thắng nêu quan điểm.

Về giải pháp, theo đại biểu đoàn Quảng Trị, việc Bộ Y tế đề nghị có lực lượng công an cắm chốt ở các bệnh viện rất khó khả thi. Ông Thắng cho rằng, trước tiên phải đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức được nếu không bảo vệ đội ngũ y bác sĩ, chẳng khác gì “tự ghè chân mình”, bệnh nhân chịu thiệt thòi đầu tiên. “Cần thiết phải lập lại trật tự trong cơ sở y tế. Phải luật hóa, không thể chỉ xử lý về hành chính mà phải có chế tài đủ mạnh để tạo tính răn đe. Nếu chỉ xử lý tội gây rối thì không ăn thua”, ông Thắng cho hay.

Cùng mối lo ngại, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) đề nghị phải có giải pháp mạnh trên cơ sở xem xét ở khía cạnh pháp luật. Theo bà Lan, phải coi đó là hành vi chống người thi hành công vụ, nếu không tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường các giải pháp để bảo vệ cho đội ngũ y bác sỹ. Nêu vụ việc bác sỹ Hoàng Công Lương bị khởi tố, bà Lan nhấn mạnh, không thể để bác sỹ này đơn độc được.

 Ngành y không đơn độc

Trước thực trạng hành hung bác sỹ trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dù không hề muốn, song cá nhân bà đã hai lần phải xuất hiện trên truyền hình để nói về vấn đề này. Nữ bộ trưởng lo ngại, ngành y đang đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế.

“Đại biểu nói mô hình cắm chốt công an trong bệnh viện không khả thi, nhưng trên thực tế, nhiều nơi như Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Ninh Bình, tình trạng hành hung đã giảm rõ rệt khi có lực lượng công an tuần tra thường xuyên. Đội ngũ công an viên ở phường rất nhiều, sắp tới các bệnh viện tự chủ phải trả chi phí cho công an tuần tra”, Bộ trưởng Tiến nêu.

Trước mối lo này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, ngành y tế không đơn độc, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và đại biểu quốc hội luôn bên cạnh ngành y tế. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, vừa qua Luật Hình sự 2015 đã sửa đổi bổ sung hình thức xử phạt tương ứng. Ngay cả thương tích dưới 11% cũng đã bị truy tố hình sự. Ngoài ra còn hai khung từ 11 - 30% và từ 30 - 60% đều quy định những hình phạt tăng nặng.

Đề cập đến vấn đề lương, từ chính sách đặc thù cho ngành bảo hiểm xã hội, bà Phạm Khánh Phong Lan “ước mơ” ngành y cũng được hưởng mức lương 1,8, lương trung bình 8,8 triệu đồng/tháng. “Đó là mức lương mơ ước của bản thân tôi. Lương tôi cũng chưa đến chừng ấy. Tôi mong ước mơ này thành hiện thực. Dù ngành y tế khó khăn nhưng vẫn đảm bảo đại đa số bệnh nhân được khám chữa bệnh. Trong khi ngành bảo hiểm xã hội, dù anh em bị nhiều áp lực, làm cả thứ bảy, chủ nhật nhưng nợ vẫn còn đó chưa đòi được”, bà Lan bày tỏ, đồng thời đề nghị Bộ Y tế đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa.

Hành hung bác sỹ phải coi là hành vi chống người thi hành công vụ

Nói về tình trạng hành hung nhân viên y tế gây bức xúc thời gian qua, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) đề nghị phải có giải pháp mạnh trên cơ sở xem xét ở khía cạnh pháp luật. Theo bà Lan, phải coi đó là hành vi chống người thi hành công vụ, nếu không tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra.

MỚI - NÓNG