Đã xong phép thử cầm quyền

Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3.
Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3.
TP - Như vậy đã khép lại ba cuộc tranh luận kịch tính nhất trong lịch sử tranh luận ứng viên tổng thống Mỹ từ khi nó được khởi xướng cách đây 56 năm. 

Dù tranh cãi nảy lửa và có nguy cơ chia rẽ xã hội Mỹ, ba cuộc tranh luận một lần nữa cho thấy chúng đã làm xong các phép thử với những ai muốn nắm quyền lực. Tạm gác sang một bên những cá tính kỳ lạ ở cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton, tranh luận công khai trên truyền hình một lần nữa cho thấy mấy điều cốt lõi sau đây.

Thứ nhất, nó là diễn đàn phô diễn sức mạnh của minh bạch như tấm lưới lọc của xã hội loại bỏ ngay từ gốc mọi suy nghĩ hay hành vi ở một cá nhân có nguy cơ sử dụng không đúng quyền lực. Thứ hai, chúng xác nhận một lần nữa đòi hỏi không bao giờ giảm của cử tri rằng, người nắm quyền lực bắt buộc trước hết phải có uy tín về đạo đức cá nhân.

Một trong những đặc trưng cơ bản của nhà lãnh đạo là kết quả công việc không phải do lao động trực tiếp của họ mà là do lao động của cấp dưới. Chủ thể lãnh đạo muốn đạt được mục tiêu của mình bắt buộc phải thông qua lao động của người khác. Thực tiễn cho thấy nhà lãnh đạo nào càng có đức bao nhiêu thì càng dễ quy tụ nhiều hiền tài, lực lượng quyết định hiệu quả lao động của nhà lãnh đạo.

Nếu cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thắng cử, và cuộc thăm dò của CNN sau đợt tranh luận lần ba cho thấy bà dẫn 13 điểm phần trăm so với tỷ phú Donald Trump, bà sẽ cứng rắn với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà người tiền nhiệm Barack Obama đã ký với 11 nước, trong đó có Việt Nam. Hay chính sách cứng rắn với Nga của bà sẽ được cả một đội quân khổng lồ ở Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, và các cơ quan tình báo, an ninh Mỹ thi triển, chứ không phải bà.

Nhưng mức độ nhân văn trong quan điểm chính trị của bà là một trong những nhân tố quyết định khiến Mỹ có tiếp tục vun đắp cho TPP hay không, cho lợi ích của cả các quốc gia khác hay không. Đạo đức cá nhân của bà ảnh hưởng rất lớn đến việc bà có muốn đẩy đối đầu với Nga lên nấc thang mới của Chiến tranh Lạnh, khởi đầu cho các bất ổn toàn cầu mới, hay không.

Nhiều người khó chịu về việc hai ứng viên tiếp tục xỉa xói các điểm yếu của nhau. Song ta có thể phát hiện một ý nghĩa khác nếu tìm cách trả lời khác cho câu hỏi “Vì sao họ làm thế?”. Không phải ngẫu nhiên hai nhân vật đang được thế giới chú ý nhất đi làm cái việc “xắn váy quai cồng phun trầu toèn toẹt”. Hơn ai hết, cả họ và đội ngũ cố vấn hùng hậu của họ đều thấu hiểu lá phiếu cử tri chủ yếu dựa trên đạo đức cá nhân hơn là các phẩm chất khác.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.