Đà Nẵng nói không với bằng tại chức: Chưa chuẩn về pháp lý

Quy định chỉ tuyển sinh viên có bằng đại học chính quy của Đà Nẵng là cực đoan
Quy định chỉ tuyển sinh viên có bằng đại học chính quy của Đà Nẵng là cực đoan
TP - Chia sẻ nhu cầu nâng cao trình độ cán bộ, công chức của Đà Nẵng khi quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan của thành phố, song các chuyên gia Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cho rằng phải cân nhắc thêm về mặt pháp lý.

 >> Nói 'không' với bằng tại chức: Cái lý của Đà Nẵng

Quy định chỉ tuyển sinh viên có bằng đại học chính quy của Đà Nẵng là cực đoan
Quy định chỉ tuyển sinh viên có bằng đại học chính quy của Đà Nẵng là cực đoan . Ảnh: Phạm Thịnh

Thưa ông, quy định trên của Đà Nẵng có đúng pháp luật?

Chuyên viên cao cấp Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ: Luật Cán bộ, công chức không cấm tuyển dụng đối tượng có bằng đào tạo hệ tại chức. Luật Giáo dục không quy định sự khác nhau về giá trị của các hình thức đào tạo. Do vậy, về mặt pháp lý, vấn đề phải được cân nhắc thấu đáo.

Tiến sĩ luật Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: Luật Giáo dục của ta quy định bằng tại chức hay chính quy là bình đẳng. Tôi cũng dạy tại chức nhưng 3 lần phải trả lớp vì chất lượng người học… kém quá.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đưa ra quan điểm như vậy là cực đoan. Trong số khoảng 20 người tốt nghiệp hệ chính quy thì cũng có thể chỉ có 7-8 người đạt chất lượng và ngược lại, ở hệ tại chức trong số khoảng chục người không đạt chất lượng thì cũng có 2- 3 người đạt chất lượng.

Vấn đề mấu chốt là chấn chỉnh khâu lựa chọn chứ không phải là cái bằng. Bằng tốt nghiệp chỉ nên là một tiêu chí trong công tác tuyển dụng.

Đà Nẵng cho rằng, quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức nhằm nâng cao chất lượng cán bộ?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Tôi chia sẻ trăn trở của Đà Nẵng, đó là làm thế nào để nâng cấp chất lượng cán bộ, công chức được tuyển dụng. Nhưng về phương pháp, vẫn phải bảo đảm tính pháp lý của vấn đề. Quyền lợi của người được tuyển dụng, người tuyển dụng và quy định pháp luật phải tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, thi tuyển nghiêm túc, khách quan… mới là câu trả lời cho vấn đề này.

Ông Lê Hồng Sơn: Lựa chọn của Đà Nẵng không phải là phương án hay, xét về mặt pháp lý là còn không chuẩn. Thẩm quyền xử lý vụ việc là của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Nếu cần thiết, Bộ Tư pháp sẽ vào cuộc.

Sự kiện này cũng gióng hồi chuông cảnh báo về chất lượng giáo dục hệ tại chức, ngành giáo dục - đào tạo cần nâng cao chất lượng để thay đổi quan điểm của nhà tuyển dụng?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Đó là cách đặt vấn đề của một bộ phận xã hội. Đúng là phải xem xét để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung để mặt bằng nguồn nhân lực được nâng lên thì chất lượng cán bộ, công chức cũng được nâng lên.

Ông Lê Hồng Sơn: Tấm bằng chỉ là sự ghi nhận của xã hội về trình độ, vấn đề là làm thế nào lựa chọn khách quan, công bằng, đúng người có trình độ. Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thì phải chấn chỉnh công tác tuyển dụng.

Có thể có hiện tượng người tốt nghiệp tại chức thì vào được cơ quan nhà nước, người tốt nghiệp đại học chính quy, thậm chí học giỏi lại đứng ngoài. Sự kiện này cũng cho thấy việc tuyển dụng bây giờ có phần lộn xộn.

Vì vậy, phải có cơ chế thi tuyển hợp lý để bất kể loại bằng nào thì cơ quan tuyển dụng cũng lựa chọn được đúng người tài. Chứ nếu chỉ loại trừ như Đà Nẵng là cực đoan. Về đào tạo, đặc biệt theo hệ tại chức, cũng phải nâng cao trình độ để đảm bảo chuẩn, lấy lại niềm tin của xã hội và nhà tuyển dụng…

Hồ Thu
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG