Đá lát vỉa hè Hà Nội xuống cấp: Trách nhiệm chính của các quận, huyện

Lát đá vỉa hè tại Hà Nội
Lát đá vỉa hè tại Hà Nội
TPO - Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, lát đá tự nhiên do các quận tự đăng ký danh sách các tuyến phố, đồng thời lựa chọn nhà thầu từ bước khảo sát, đến giám sát thi công, xây dựng công trình. Do đó, việc để xuống cấp đá vỉa hè là trách nhiệm của các quận. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Thành phố giao cho Ban Quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình.

Do vậy, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện. Trong đó, phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu và đôn đốc việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng lát hè trên địa bàn quận đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo quy định.

“Quá trình quản lý chất lượng thi công vỉa hè còn có sự tham gia của Thanh tra Sở Xây dựng, song, quá trình thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch. Thêm đó, các cơ quan thuộc Sở thường thanh, kiểm tra ở các dự án lớn, bao quát từ hạ tầng, đường sá, cấp thoát nước. Việc kiểm tra từng tuyến vỉa hè cụ thể mỗi năm chỉ có thể tiến hành trên vài chục dự án, không thể bao quát hết các tuyến đường trên toàn thành phố”, ông Huy nói.

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm tra 21 dự án lát hè trên địa bàn 5 quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ. Hiện chỉ có 5 quận trên đang thực hiện lát đá tự nhiên. 

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, dọc vỉa hè hướng từ Ngã Tư Sở về chợ Phùng Khoang, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, nhiều viên đá vỡ nát, nhiều khu vực bong tróc cả mảng, thậm chí không còn đá.

Cụ thể, khu vực vỉa hè gần giao với phố Cự Lộc, một đoạn dài vỉa hè sát với lòng đường bị sụt lún, đá vỡ. Khu vực gần cổng phụ Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng đá bong tróc, vỡ nát. Khu vực gần cổng Cục Sở hữu trí tuệ… cũng có nhiều viên đá vỡ nát. Nhiều khu vực trước cửa các công trình sửa chữa, xây dựng nhà ở của người dân, hầu hết các viên đá đều nát vụn.

Từ 2017, chỉ riêng đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), việc lát đá vỉa hè và các hạng mục khác tốn hơn 100 tỷ đồng tiền ngân sách. Thời điểm đó, theo Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân, ưu điểm của loại đá lát vỉa hè này so với vật liệu khác là độ bền, độ cứng, độ chống thấm, độ chịu nước. Tuổi thọ của đá tự nhiên là từ 50-70 năm, bền màu theo thời gian. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, từ năm 2017 đến nay, vỉa hè tuyến đường này xuống cấp, vỡ nát.

MỚI - NÓNG