Là một trong những tuyến phố có vỉa hè dài và rộng nhất quận Hoàn Kiếm, trong 2 năm qua, tuyến phố Lý Thường Kiệt đã được quận Hoàn Kiếm lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên. Với chiều rộng vỉa hè khoảng 5 m, dài 1,8 km, nếu cộng với khung giá khoảng 650.000 đồng/m2 vỉa hè được lát đá thì tổng chi phí cho việc lát đá thay thế gạch tự chèn trước đây lên đến 18,7 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến kinh phí lát đá bó vỉa (bậc lên xuống), bó vỉa ô cây xanh. Vậy nhưng, khi vỉa hè vừa được lát lại xong, mặt đá chưa phủ bụi đường và phục vụ người đi bộ như mục tiêu thì nhiều đoạn vỉa hè, tuyến phố này trở thành các điểm đỗ ô tô, xe máy. Với đoạn qua ngã tư Phan Bội Châu, vườn hoa Tao Đàn… vỉa hè rộng đến 5 m nhưng sáng 21/10 chúng tôi ghi nhận, ô tô đỗ không còn lối đi nào dành cho người đi bộ.
Tương tự, vỉa hè hai bên tuyến phố Phủ Doãn - Triệu Quốc Đạt cũng vừa được lát đá xong với chiều dài nửa cây số, các điểm trông ô tô, xe máy có thu phí đã phủ kín. Theo quy định, trong trường hợp vỉa hè được bố trí làm điểm trông xe tạm thời thì đơn vị thực hiện phải trừ lối đi rộng khoảng 1 m cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè phố Triệu Quốc Đạt - Phủ Doãn đoạn qua bệnh viện Phụ Sản, Việt Đức trông xe đã “đuổi” bệnh nhân, người đi bộ xuống lòng đường.
Trên các tuyến phố cũng vừa được lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên như Quán Sứ, Hàng Giầy, Chả Cá, (Hoàn Kiếm); Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ (Ba Đình); Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Cửa Nam (Đống Đa); Phố Huế… tình trạng vỉa hè bị biến thành điểm đỗ ô tô, xe máy cũng rất phổ biến. Các tuyến phố Hàng Giầy, Chả Cá, Kim Mã - Nguyễn Thái Học… vỉa hè còn bị biến thành địa điểm kinh doanh. Người bán hàng còn mở hàng quán chiếm dụng cả mặt cắt ngang cả vỉa hè.
Có mặt trên phố Cửa Nam lúc 10h sáng qua, chúng tôi ghi nhận, đoạn trước số nhà 240 có một quán giải khát xe để kín vỉa hè hai bên, tràn cả xuống lòng đường; quán giải khát này còn kê bàn ghế cho khách ngồi trên vỉa hè.
Ðể ô tô, đá sẽ vỡ
Ghi nhận tại tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) nơi một nửa phố đã hoàn thành lát đá, nửa còn lại đang thi công. Tại trước cổng một cơ quan có địa chỉ số 6 Huỳnh Thúc Kháng, ngay sau khi việc lát đá hoàn thành, toàn bộ vỉa hè vừa lát đã biến thành bãi đỗ ô tô. Ô tô đỗ thành hàng dài trên vỉa hè, che lấp toàn bộ lối đi. Đơn vị thi công đã lắp cọc ngăn phương tiện di chuyển vào nhưng chỉ lắp một đầu, vô tình trở thành bãi đỗ ô tô hợp lý cho các phương tiện.
Cách bãi xe này khoảng 20 m là khu vực thi công lát đá đoạn nối tiếp phố Huỳnh Thúc Kháng. Dù lát chưa xong nhưng các nhà hàng, quán bia bên phía trong đã “cát cứ” tận dụng làm bãi đỗ xe cho quán. Những viên đá mới đặt xuống lớp xi măng còn chưa chắc đã phải gánh loạt xe máy lên xuống liên tục, vào ra các nhà hàng này.
Tương tự, phố Huỳnh Thúc Kháng đoạn trước cổng công viên hồ Thành Công, đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành lớp lót nền xi măng, thế nhưng hàng chục ô tô đã án ngữ tại đây.
Liền kề với phố Huỳnh Thúc Kháng, đường Nguyễn Chí Thanh - con đường từng được bình chọn là “Con đường đẹp nhất Việt Nam” lại đang xuống cấp vỉa hè. Khu vực trước cổng tòa tháp M5 Tower, do có 2 hầm gửi ô tô nên xe lên xuống thường xuyên đã khiến gạch vỉa hè vỡ long từng mảng, lởm chởm như bẫy người đi đường.
Tuyến phố Trần Bình Trọng (quận Hoàn Kiếm), dù vừa được lát đá xong nhưng đã kín đặc ô tô, những chiếc xe dài chiếm trọn vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Một nhà thầu tham gia nhiều dự án lát đá vỉa hè Hà Nội cho biết, sau khi Hà Nội ra quyết định về mẫu hè đường đô thị thì thi công được giám sát, đảm bảo. Tính giá trung bình, mỗi mét vuông thi công khoảng 800 - 900.000 đồng m2.
Đối với việc bảo dưỡng đá vỉa hè, nhà thầu khẳng định: “Cho ô tô leo lên vỉa hè thường xuyên thì không đá nào chịu được, sớm muộn cũng kênh, nứt vỡ”.