> Hiệp hội NBA ủng hộ Philippines 250.000 USD
> Cộng đồng quốc tế lập đường dây nóng cứu trợ Philippines
Chiến dịch cứu trợ nhân đạo trên quy mô lớn không chỉ để giúp đỡ đồng minh mà còn là mỏ vàng chiến lược cho quân đội Mỹ mà sự hiện diện của họ ở châu Á, các nhà phân tích nhận định.
“Thảm họa thiên nhiên không phải chỉ xảy ra ở Philippines. Điều này sẽ gửi tín hiệu đến tất cả quốc gia Đông Nam Á, châu Á, rằng Mỹ rất nghiêm túc về sự hiện diện của họ ở đây”, nhà phân tích chính trị Philippines Ramon Casiple nhận xét.
“Có thể suy từ khả năng ứng phó thảm họa thiên nhiên ra khả năng xử lý các tình huống chiến tranh. Đây là định hướng mới của các lực lượng đặc nhiệm”, ông Casiple nói với báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc).
Tính đến ngày 15/11, Philippines nhận được hỗ trợ từ các chính phủ và các tổ chức nước ngoài cho nạn nhân bão Haiyan với tổng số tiền 5,48 tỷ peso (126,8 triệu USD), Bộ Ngoại giao Philippines cho biết. Các nguồn tài trợ đến từ 43 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đến nay, Mỹ là nước đóng góp lớn nhất với việc điều một nhóm 8 tàu do tàu sân bay USS George Washington dẫn đầu tới Philippines. |
Từ khía cạnh quân sự, những sứ mệnh nhân đạo như chiến dịch Damayan ở Philippines hiện nay mang lại nhiều lợi ích cụ thể. Đó là cơ hội hoạt động ở những nơi xa xôi, xây dựng đồng minh quân sự và luyện tập khả năng phản ứng thực tế - những nhiệm vụ rất cơ bản trong chiến đấu và chiến thắng.
“Kế hoạch phản ứng với thảm họa là kỹ năng cần thiết của quân đội, nên cơ hội luyện tập phản ứng với thảm họa là điều rất tốt cho nhóm lập kế hoạch”, Phó đô đốc Mark Montgomery, chỉ huy nhóm tàu tấn công USS George Washington (Mỹ) đang đỗ tại vùng biển ngoài khơi vịnh Leyte, nói.
Sau khi hứng chịu bão Haiyan, Philippines bắt đầu nhận hỗ trợ từ các lực lượng quân sự khắp khu vực. Úc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều gửi máy bay hoặc nhân sự.
Brunei, Anh, New Zealand và Thái Lan có thể cũng sớm hỗ trợ. Nhưng không nước nào thực hiện được như Mỹ, trong khi đối thủ khu vực của Mỹ là Trung Quốc chưa đưa bất kỳ đội quân nào đến giúp, còn hỗ trợ tài chính không đáng là bao.
“Mọi việc đang diễn ra làm nổi bật phản ứng ít ỏi của Trung Quốc - đó là chính trị. Người ta nói rằng, Trung Quốc không thực sự là bạn của khu vực”, ông Capsiple nói.
Theo chuyên gia này, đối với các đồng minh khu vực của Mỹ như Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, và ở chừng mực nào đó là cả Indonesia, đây là một sự khẳng định rằng Mỹ sẵn lòng hỗ trợ. Với các nước khác thân với Trung Quốc hơn, thông điệp được gửi đi là Mỹ vẫn là cường quốc mạnh nhất trong khu vực.
Cứu trợ cũng như tập trận
Chỉ vài giờ sau khi bão mạnh ập đến, Hải quân Mỹ đã xuất phát từ các căn cứ ở Nhật Bản đến Philippines để đánh giá thiệt hại và lên kế hoạch phản ứng. Chỉ trong vài ngày, tàu George Washington đã rời Hong Kong và dẫn đầu đội hơn chục tàu chiến đến vịnh Leyte.
Đến nay, đội máy bay chiến đấu Mỹ đã thực hiện 480 giờ bay, đưa gần 1.200 nhân viên cứu hộ đến thành phố Tacloban bị tàn phá và đưa gần 2.900 người dân mất nhà ra khỏi vùng thảm họa. Chỉ riêng hôm 16/11, họ đã đưa hơn 119 tấn thực phẩm, nước uống và đồ dùng đến những khu vực bị tàn phá nặng nhất gồm Tacloban, Borongan và Guian.
Hơn 600 lính Mỹ đang có mặt ở Philippines. Tàu USS George Washington đưa thêm hơn 6.200 thủy thủ đến hỗ trợ các chiến dịch trên không, và 1.000 lính thủy quân lục chiến và thủy thủ cùng đơn vị viễn chinh biển thứ 31 dự kiến sẽ có mặt trong tuần này.
Đại tá Miguel Okol, phát ngôn viên của Không quân Philippines, nói rằng, ông cảm thấy biết ơn trước sự giúp đỡ của Mỹ, và cũng hiểu rằng những hoạt động này mang hàm ý quân sự.
Theo Đại tá Okol, bằng việc cùng thực hiện sứ mệnh nhân đạo, lính Mỹ và Philippines đang thực hiện các bài tập trận chung, ví dụ việc vận chuyển bằng máy bay C-130. Mỹ đã triển khai 15 chiếc máy bay loại này đến Philippines.
Trong khi đó, Philippines đang đối mặt nhiệm vụ tái thiết vô cùng khó khăn sau bão Haiyan, với số người thiệt mạng được xác nhận là 3.681 người và số người mất tích là 1.186. Nhiều khu vực bị cô lập vẫn chưa nhận được nhiều cứu trợ. Ước tính, 4 triệu người bị mất nhà sau siêu bão. Hầu hết hàng hóa cung cấp cho các khu vực xa xôi đều được đưa đến bằng trực thăng của Mỹ.
TRÚC QUỲNH tổng hợp