Ngày 1/8, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk và các đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Các bị cáo gồm: Trịnh Quang Trí (SN 1971, cựu Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk), Trần Thanh Mỹ (SN 1970, cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán CDC tỉnh Đắk Lắk), Đặng Minh Tuyết (SN 1976, cựu Phó khoa phụ trách Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng CDC tỉnh Đắk Lắk), Trần Thị Nguyên Hằng (SN 1980, cựu nhân viên Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng CDC tỉnh Đắk Lắk) và Đinh Lê Lê Na (SN 1990, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cựu nhân viên kinh doanh Cty Việt Á.
Tại phần tranh luận, bị cáo Trịnh Quang Trí mong HĐXX xem xét lại toàn bộ bối cảnh thời điểm dịch bệnh xảy ra. Khi thực hiện vấn đề tạm ứng hàng để xét nghiệm chống dịch, bị cáo nghĩ làm sao để có hàng nhanh nhất nhằm xét nghiệm chống dịch. Trong thời điểm cách ly thì vấn đề mua sắm kít test từ các công ty về CDC Đắk Lắk rất khó.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, được nói lời sau cùng, bị cáo Trí khẳng định không nhận tiền chiết khấu từ Cty Việt Á. Bị cáo Trí cho rằng, ở đây con người chứ không phải là máy móc. Mỗi con người có giá trị riêng, chuyện kết luận nhân viên nhận mà giám đốc không nhận là vô lý. Bị cáo Trí mong HĐXX đưa ra bản án nhân văn nhất cho tất cả các bị cáo để họ sớm trở về với gia đình.
Bị cáo Trịnh Quang Trí nói lời sau cùng trước tòa |
Bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng gửi lời xin lỗi đến các đồng nghiệp bởi việc làm của bị cáo, gửi lời cảm ơn đến gia đình vì đã đồng hành cùng bị cáo trong thời gian phòng chống dịch. Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo hưởng án thấp nhất để sớm được trở về với gia đình.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định cần có thêm thời gian để xem xét, biểu quyết, đưa ra mức án phù hợp với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. HĐXX cho biết sẽ kéo dài thời gian nghị án đến 14h ngày 5/8 sẽ tuyên án.
Theo cáo trạng, trong quá trình triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch COVID-19, Trịnh Quang Trí chỉ đạo Tuyết và Hằng liên lạc, trao đổi với Lê Na để tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm và hợp thức hóa thủ tục thanh toán.
Lúc này, Lê Na đã xin ý kiến của Phan Quốc Việt - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Cty Việt Á về việc cho CDC Đắk Lắk mượn hàng và được Việt đồng ý.
Theo hướng dẫn của Lê Na, bà Hằng và ông Tuyết đã soạn thảo các công văn mượn hàng gửi Cty TNHH An Việt; Cty Cổ phần Thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế; Cty Việt Á để ông Trí hoặc ông Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk ký. Trong đó, CDC Đắk Lắk cam kết hoàn thiện hợp đồng và các thủ tục cần thiết để thanh toán tiền, giá thanh toán theo giá tại thời điểm mượn hàng.
Để thanh toán một phần hàng hóa đã tạm ứng, Trịnh Quang Trí chỉ đạo các khoa, phòng của CDC Đắk Lắk hoàn thiện, hợp thức hồ sơ nhằm thanh toán cho các công ty trên bằng hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu rút gọn.
Với các hình thức hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu, từ năm 2020-2021, CDC Đắk Lắk đã lập, ký duyệt, hợp thức hóa hồ sơ 6 gói thầu. Trong đó, có 4 gói thầu đã thanh toán. Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu nêu trên đã gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng hơn 6,8 tỷ đồng.
Sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền cho các công ty, Phan Quốc Việt có chính sách chiết khấu cho 4 gói thầu chuyển vào tài khoản của Lê Na. Theo đó, Trịnh Quang Trí được hưởng lợi hơn 211 triệu đồng, Trần Thị Nguyên Hằng được hưởng lợi hơn 900 triệu đồng, Trần Thanh Mỹ hưởng lợi 171 triệu đồng, Đặng Minh Tuyết được hưởng lợi 66 triệu đồng.
Đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Lắk giữ quyền công tố trước toà đã đề nghị mức án cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Quang Trí từ 4-5 năm tù; Trần Thanh Mỹ, Đặng Minh Tuyết bị đề nghị phạt 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù; Trần Thị Nguyên Hằng bị đề nghị 2 năm 3 tháng đến 2 năm 9 tháng tù; Đinh Lê Lê Na từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.